Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

Quý Ông Bà, Anh Chị Em
Thanh niên nam nữ và Thiếu nhi thân mến.
THÁNG KÍNH ĐỨC MẸ
"Các tín hữu hãy nhớ rằng lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến Mẹ chúng ta và noi gương các nhân đức của Mẹ" (GH 67).

A. SINH HOẠT MỤC VỤ

Cầu nguyện
-       Ý chung : Xin cho chúng ta đừng dửng dưng, nhưng cố gắng chăm sóc những người đang gặp đau khổ, cách riêng những người bệnh tật và nghèo khổ.
-       Ý truyền giáo : Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, xin cho các Kitô hữu đang sống trong thế giới tục hóa sẵn sàng rao giảng Đức Giêsu.

CHÚA GIÊSU ĐỀN THAY SỰ BẤT TUÂN CỦA CHÚNG TA BẰNG SỰ VÂNG PHỤC CỦA NGƯỜI

"Cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính" (Rm 5,19). Chúa Giêsu, bằng sự vâng phục cho đến chết của Người, đã hoàn thành việc đền thay của Người Tôi Trung đau khổ, là hiến thân làm hy lễ đền tội, mang lấy tội lỗi của muôn người và làm cho họ nên công chính khi gánh lấy tội lỗi của họ (x. Is 53,10-12). Chúa Giêsu đã đền bù các lỗi lầm của chúng ta và tạ tội với Chúa Cha vì tội lỗi của chúng ta (x. Công Đồng Triđentinô)
 (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 615)
Ý NGHĨA VÀ LÒNG TÔN KÍNH ĐỨC MẸ
TRONG THÁNG NĂM
Cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta bước vào tháng Hoa. Tháng Hoa đối với Giáo Hội Công Giáo mang một ý nghĩa đặc biệt vì nó được dành riêng để tôn vinh Mẹ Chúa Trời.
1.   Ý nghĩa của tháng Hoa
Mẹ Maria cũng được ví như Người Nữ tuyệt vời, đẹp nhất trong muôn ngàn phụ nữ, Mẹ đẹp tâm hồn, Mẹ đẹp thân xác. Vì thế, nơi hoa tỏa ra mùi thơm ngào ngạt, tượng trung cho các nhân đức nơi Mẹ. Đồng thời, những sắc màu của hoa tượng trưng cho Mẹ là Mẹ muôn loài khi đón nhận vai trò làm Mẹ Thiên Chúa.
Bắt nguồn từ đó, hoa trong phụng vụ hay truyền thống của người Công Giáo luôn được coi trọng. Nó được dùng để trang hoàng cung thánh, bàn thờ hay để tỏ lòng tôn kính với các vị thánh, đặc biệt là Đức Mẹ. Tức là hoa được dùng vào vị trí trang trọng trong đời sống phụng vụ của Giáo Hội.
Mẹ Maria được ví như bông hoa thơm ngát trước tòa Chúa, nhưng trước đó Mẹ cũng là những con người rất đỗi bình thường như bao người phụ nữ khác. Tuy nhiên, được Thiên Chúa tuyển chọn, và qua tiếng "Xin Vâng" nên Mẹ đã trở nên tuyệt mỹ hơn muôn ngàn phụ nữ. Mẹ đã trở nên đóa hoa thơm ngát trước Ngai Thiên Chúa. Mẹ đã trở nên đóa hoa độc nhất vô nhị của thế giới loài người. Tại sao lại như thế, thưa chỉ vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và như một sự tất yếu, Mẹ là Mẹ loài người.
Nhờ ơn Chúa, Mẹ đã trở nên đóa hoa kiệt tác như : ơn vô nhiễm nguyên tội, ơn đồng trinh trọn đời, Mẹ Thiên Chúa, Hồn xác lên trời và Mẹ như "hoa hường mầu nhiệm vậy".
2.   Ý nghĩa của việc dâng Hoa kính Mẹ
Tại sao lại dâng hoa mà không dâng những thứ khác ? Vì hoa là thứ đẹp nhất trong mọi loài Chúa dựng nên, chẳng thế mà Đức Giêsu đã ví sự lộng lẫy, tươi đẹp của hoa còn hơn cả vua Salômôn : "Chúng con hãy xem hoa huệ ngoài đồng. Chúng không canh cửa, không xe dệt, thế mà Thầy bảo cho chúng con biết, ngay cả Vua Salômôn dù vinh hoa tột bậc, cũng không thể mặc đẹp bằng một bông hoa ấy" (Mt 6,29).
Các Nhà thờ thường hay tổ chức dâng hoa kính Mẹ, lúc này, mỗi màu hoa lại tượng trung cho một nỗi lòng của con cái muốn dâng lên Mẹ, hay ca ngợi một nhân đức nào đó của Mẹ. Như vậy, Hoa biểu trưng cho lòng Mẹ và cũng là biểu trưng của lòng con người : Hoa huệ trắng biểu trưng sự trong sạch khiết trinh nơi Mẹ ; Hoa hồng diễn tả lòng mến nồng nàn mà Mẹ dành cho Chúa ; Hoa lan toát lên sự trung thành, mạnh mẽ và can đảm nơi Mẹ ; Hoa sen tượng trưng phó thác, đại lượng và cung kính nơi Mẹ ; Hoa có màu tím tượng trung cho sự khiêm tốn ...
Người Việt Nam chúng ta khi biết ơn ai, hoặc kính trọng ai, thường hay biểu cảm qua bó hoa hay bông hoa. Cũng vậy khi đón nhận được ơn lành từ Trên ban, người ta cũng dâng tạ bằng những bông hoa. Với người Công Giáo, những biến cố quan trọng trong đời sống Đức Tin như : khi Rửa tôi; Thêm Sức ; lãnh nhận Hôn Phối ; hay Truyền Chức Thánh, người ta cũng tặng hoa cho những người được mừng, và ngay cả khi chết, người ta cũng biểu đạt bằng hoa trên quan tài, bên di ảnh hay nơi mộ phần. Hay khi gặp rủi ro, tai nạn, bệnh tật, khi hết bệnh, người ta cũng dâng hoa để tỏ làng biết ơn với Thiên Chúa, Đức Mẹ và các thánh ...
Riêng với Đức Mẹ, người dân Việt Nam có lòng sùng kính đặc biệt. Từ khắp nơi, mọi thành phần, lứa tuổi, đều hân hoan, nô nức dâng kính Mẹ những đóa hoa tươi thắm mối dịp tháng Năm về. Tuy nhiên, hoa được dùng để qua đó, diễn tả hoa thiêng cõi lòng của con người. Hoa sẽ tàn phai, héo úa, lòng người cũng sẽ tàn phai và ủ rũ nếu không đón nhận được sứ điệp từ những việc đạo đức này. Vì thế, điều quan trọng chính là tấm lòng chân thành, đơn sơ, yêu mến, phó thác, cậy trông của mỗi chúng ta dành nơi Mẹ. Như thế, nhờ những cánh hoa lòng, chúng ta sẽ được nâng tâm hồn lên với Mẹ để Mẹ đón nhận và bầu chữa cho chúng ta. Thật vậy, không một ai có lòng tôn kính Mẹ mà mất ơn cứu rỗi bao giờ.
3.   Những việc làm tỏ lòng tôn sùng Đức Mẹ
Người Công giáo Việt Nam từ lâu đã có hình ảnh tốt đối với Đức Mẹ qua hình ảnh người mẹ trong đời thường. Lòng sùng kính Đức Mẹ của chúng ta mang đậm nét kính trọng và mến yêu vì mang nặng tình mẫu tử. Tuy nhiên, việc sùng kính đó nhiều lúc đã làm cho không ít người xa lạ với Đức Tin, tức là họ đã nhìn nhận Đức Mẹ như là Đấng Trung Gian tuyệt đối, mà quên mất rằng : "Mọi ảnh hưởng có sức cứu độ của Đức Trinh Nữ trên nhân loại, đều bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Kitô" (x. LG 60). "Thực vậy, không bao giờ có thể đặt một thụ tạo nào ngang hàng với Ngôi Lời Nhập Thể và Cứu Chuộc" (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 970).
Mỗi chúng ta hãy nhìn lại việc sùng kính của mình dành cho Đức Mẹ, để lòng tôn sùng Đức Mẹ không mất đi hay xa lạ với Đức Tin Công Giáo mà lại làm cho Đức Tin được thêm khởi sắc và đúng như ý Chúa, ý Mẹ và Giáo Huấn của Giáo Hội mong muốn.
Mong sao, những việc tôn sùng Đức Mẹ của chúng ta sẽ dẫn đến việc noi gương Mẹ để sống cho đẹp lòng Thiên Chúa như Mẹ đã sống, để sau cuộc đời này, chúng ta được cùng Mẹ ca ngợi Thiên Chúa không ngừng trên Thiên Quốc.
Lạy Mẹ Maria, xin đón nhận muôn vàn ý nguyện của chúng con dâng lên Mẹ qua những đóa hoa muôn sắc màu, ước gì chúng con được đón nhận những ơn lành của Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ. Amen.
(Tu Sĩ Jos. NGỌC BIỂN – Ephata 608)

B. SINH HOẠT ĐỜI

Suy Nghĩ Vẩn Vơ 5 : THẾ GIỚI THẦN LINH (tt)
III. TIN AI ? THEO AI ?
Việc chọn lựa tin ai, thờ ai, theo ai, theo tôn giáo hay lý thuyết nào là quyền tự do của mỗi người, mọi người phải tôn trọng quyền tín ngưỡng hay không tín ngưỡng như trong Hiến pháp quy định, miễn là các tín ngưỡng hay không tín ngưỡng đó không trái với Chân Thiện Mỹ tuyệt đối. Cần ghi chú một điều là từ xưa tới nay, thỉnh thoảng lại xuất hiện một tôn giáo hay giáo phái có những chủ trương "kỳ quái", thế mà vẫn có người tin theo. Khoảng thập niên 90 của thế kỷ 20, một vài tôn giáo "nguy hiểm" phát sinh khiến cả thế giới lo ngại, đó là giáo phái "Chân lý tối thượng" do giáo chủ Aum ở Nhật khởi xướng, tín đồ lên tới trên 4.000, phát triển sang cả Liên Xô nữa. Chẳng biết giáo điều của giáo phái này như thế nào mà một bộ phận tín đồ nhiệt thành lại có những cơ sở sản xuất chất độc Sarin, rồi đem rải xuống đường tầu điện ngầm ở Tôkyô khiến hàng chục người chết và hàng ngàn người phải vào bệnh viện cấp cứu. Nghe nói giáo chủ Aum và một số tín đồ chủ chốt đã bị chính quyền Nhật bắt giữ và xử tử hình. Đó là chuyện ở đất Phù Tang, còn ở Hiệp Chủng Quốc cũng khoảng thời gian đó, có giáo phái "Cổng Trời" cũng quy tụ tín đồ đa số là thanh niên thiếu nữ tuổi sinh viên. Giáo điều của họ như thế nào không biết, chỉ biết có một buổi tập trung lễ bái gì không rõ, sau đó cả giáo chủ lẫn 63 tín đồ tự tử tập thể trong một tư thế rất tự nhiên : áo quần lịch sự, mỗi người nằm trên giường nệm phủ khăn trắng trong tư thế nghiêm túc, cùng uống thuốc độc chết, điều đặc biệt là trước khi chết còn quay video tất cả thành viên, mỗi người nói lời chào từ biệt bạn bè, thân nhân … Khi lực lượng cảnh sát phá được cửa trang trại Ai-kô, đưa được một số phụ nữ và trẻ con ra thì những thành viên kia đã chết, không cứu được ai !
Trước đó gần một thập niên, báo chí cũng đưa tin một giáo phái ở Âu châu quy tụ hơn 900 tín đồ đủ thành phần nam nữ, già trẻ, lớn bé vào một cánh rừng rồi cũng tự tử tập thể, hầu như không ai sống sót.
Cũng khoảng thời gian này, tại miền Hóc Môn bỗng dưng xuất hiện một giáo phái do một phụ nữ đứng đầu, chẳng biết nữ giáo chủ thuyết pháp thế nào mà cũng lôi kéo được một nhóm nhỏ tín đồ, điểm đặc biệt là để gia nhập "đạo", người tín đồ phải chặt 1 ngón tay (báo chí đưa tin có cả hình ảnh những bàn tay chỉ còn 4 ngón). Trước hiện tượng kỳ quái này, nhà nước đã can thiệp, xử lý, sau đó giáo phái tan rã, không nghe nói tới nữa.
Tiền bán thế kỷ 20, cụ thể là 1939-1945, nhà độc tài Đức Hitler bị ảnh hưởng bởi tư tưởng siêu nhân, siêu dân tộc, theo ông, dân tộc Đức và chỉ dân tộc Đức phải trở thành siêu dân tộc, bá chủ cả thế giới, ông đã say sưa lao vào cuộc thế chiến thứ II bằng cách đem đội quân "dữ dằn" đi xâm chiếm nhiều nước trên thế giới, bắt đầu từ châu Âu : Pháp, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Rumany … kéo quân sang tận Nga, ông chủ trương diệt chủng, dân tộc bị tiêu diệt nhiều nhất là Do Thái … thần dân của ông tôn sùng ông như "Chúa Tể", hình tượng của ông có khắp nơi khắp chốn, lời của ông được cung kính đón nhận và thi hành triệt để như những giáo điều … Ông đã trở thành thần minh của một thứ tôn giáo thờ lãnh tụ, lời ông là thánh chỉ, tín đồ của ông là những tên phát xít cuồng nhiệt … rất may cho thế giới là ông đã bại trận vào năm 1945 và đã tự sát cùng vợ mới cưới trong 1 căn hầm trú ẩn tại Berlin, khi hồng quân Liên Xô và đồng minh tiến vào thủ đô giải phóng nước Đức. "Thần tượng sụp đổ" theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Chẳng nói đâu xa, ngay bên nước láng giềng Thái Lan mấy ngày vừa qua (từ 15/3/2010), phe Áo Đỏ UDD đã kéo về thủ đô Bankok để biểu tình, lật đổ chính phủ để ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin. Nghe các thủ lĩnh Áo Đỏ nói có hàng 100.000 người biểu tình, họ mặc áo đỏ màu máu, vây hãm những nơi trọng yếu, áo mặc in hình ông Thaksin, biểu ngữ ủng hộ ông Thaksin, hình ông Thaksin được giơ cao rợp trời. Các phương tiện thông tin còn cho biết "chiêu độc" hiến máu, một triệu cc, đổ trước cổng cũng như hàng rào quanh văn phòng chính phủ, trụ sở Đảng cầm quyền và tư dinh thủ tướng mà họ đang vây hãm …
Đứng về góc cạnh hiện tượng xã hội thì đây cũng là một hình thức tôn giáo tôn thờ lãnh tụ, dân nghèo, nhất là nông dân thọ ơn ông về chương trình nâng đỡ vật chất nào đó trong thời cầm quyền, đã tôn sùng ông, đã bênh vực ông và đã hy sinh đổ máu vì ông. Máu là biểu hiện của sự sống, hy sinh đến đổ máu vì ai là hiến tế cả mạng sống cho người đó. Các tôn giáo thường có hiến tế bằng máu : cúng ông bà, làm sao thiếu được gà luộc, cúng đình, cúng thành hoàng … phải có lợn quay, đồng bào Tây Nguyên cúng Giàng làm sao thiếu được lễ nghi đâm trâu. Đối với đạo Do Thái, của lễ sát tế là cực kỳ quan trọng … chiên, bò, dê là những lễ vật sát tế hay toàn thiêu … Thầy Cả thượng phẩm lấy máu của chúng rảy trên bàn thờ, rảy trên dân chúng, rảy trên nền gian cực thánh, bôi trên các sừng cong ở 4 góc hòm bia, máu đó là máu giao ước.
Năm 1947, khi phát hiện nền móng của thành phố cổ Giêricô ở Palestin, các nhà khảo cổ tìm thấy xác của một thiếu niên ở dưới chân cổng thành, đó là tục lệ sát tế chính con trai đầu lòng của vua thành đó cúng cho thần minh trong ngày đặt móng cổng thành. (còn tiếp)
CHÚC MỪNG ĐƯỢC LÀM CON CHÚA THÁNG 04/2015 :
Giuse Nguyễn Văn Nên – Phêrô Phạm Đình Phùng –
Phêrô Nguyễn Văn Duân – Phêrô Lê Đình Hoàng –
Maria Lê Thị Trà My – Anna Trần Thị Ngọc Hoa –
Maria Lê Thị Ánh Nguyệt – Maria Trương Thị Mỹ Linh – Maria Huỳnh Thị Mỹ Kiểm – Maria Hồ Thị Mai Hương – Maria Mai Thị Hiền -  Maria Phạm Thị Mỹ Lộc –
Maria Tôn Nữ Ngọc Trúc – Maria Trần Thị Trâm Anh – Giuse Trần Văn Sấm – Maria Hồ Thị Hương –
Anna Maria Trần Thị Hồng Nhiên – Giuse Lê Văn Thành – Giuse Ngô Hải Đông – Phêrô Nguyễn Trần Thiên Ân –
Giuse Đặng Quang Huy
CHÚC MỪNG HÔN PHỐI THÁNG 04/2015 :
Giuse Trần Văn Sấm + Maria Hồ Thị Hương
Giuse Lê Văn Thành + Maria Nguyễn Thị Tịnh
Phêrô Lê Đình Hoàng + Maria Huỳnh Lê Thảo Nguyên
VỀ NHÀ CHA THÁNG 04/2015 : (RIP)
Phêrô Đinh Văn Tiến – sinh 1934, mất ngày 07/04
Antôn Trần Minh Kỳ - sinh 1914, mất ngày 20/04
        
      Tân Sa Châu, ngày 24/04/2015
       Linh mục chánh xứ.

      Jos. Nguyễn Hữu Triết

                                                              

0 nhận xét :

Đăng nhận xét