Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

BÀI GIẢNG BA NGAY TẾT

MỒNG MỘT
Ds 6,22-27
1Tx 5,16-26.28
Mt 5,1-10


Thế là năm “Thìn” (năm Khỉ) đang qua đi và năm “Dậu” (năm Gà) sắp đến. Một năm mới sắp đến. Ai cũng mong ch năm mới được “an khang thịnh vượng”, được dư tràn phúc lộc.
Người ta quét dọn nhà cửa, để không còn chỗ tối tăm bẩn thủi làm nơi ma quỉ trú ẩn. Người ta đốt pháo để đuổi quỉ ma ra khỏi nhà. Người ta sơn phết lại nhà cửa, treo những bức tranh đẹp, trang trí những bình hoa tươi, để thần thánh đến ngự, giữ gìn và ban ơn phúc.
Ai cũng tin hạnh phúc do Trời Phật, do Thần Thánh ban cho. Vì thế ngày đầu năm người ta đến chùa để hái lộc, đến nhà thờ để cầu nguyện.

Bi đọc 1 : Sách Dân số kể lại lời chúc phúc của ông A-ha-ron cho dân Israel. Dân Israel trước khi băng qua sa mạc để vào đất hứa, đã muốn Chúa chúc lành. Chúa bảo ông Môsê : “Hãy nói với A-ha-ron và các con ông rằng : Khi chúc lành cho con cái Israel, anh em hãy nói thế này :
Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em !
Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em, và dủ lòng thương anh em!
Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn, và ban bình an cho anh em !”.
Mỗi ngày ông Aharon chúc lành cho dân để họ lên đường vượt qua sa mạc.

Bài đọc 2 : Thư gửi các tín hữu Thêxalônica, thánh Phaolô cầu nguyện cho các tín hữu của ngài : “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an thánh hóa tòan diện con người anh em”, nghĩa là xin Chúa đổi mới  các tín hữu, để được Chúa ban bình an.

BTM : Còn bài Tin Mừng, thánh Mátthêu đã ghi lại tám lời Chúa Giêsu chúc phúc cho những ai mà thế gian coi là xấu số, bất hạnh.

Tóm lại, qua Lời Chúa trong thánh lễ, bình an và hạnh phúc là nguyện ước của lòai người và là ơn phúc Chúa ban.

Khi đặt tên cho con, thì tên không chỉ là cái để gọi, mà còn hàm ẩn một niềm mong ước, một sự kỳ vọng, mà cha mẹ trông mong nơi con cái. Vậy, khi đặt tên cho một năm, như năm nay là “Gà”, hẳn cha ông chúng ta cũng muốn Gà biểu tượng niềm mong ước gì đó.
12 con vật cho 12 năm, thì 9 con là động vật có vú (chuột, trâu, cọp, mèo, ngựa, khỉ, chó, heo, dê), 2 con là bò sát (rồng, rắn), và chỉ còn 1 con duy nhất thuộc loại chim là Gà.
Không phải vào năm Gà, ngưới ta mới nói chuyện Gà, vẽ tranh Gà. Song có thể nói, ngày nào cũng nói đến Gà, Tết nào cũng có Gà. Bởi vì :
-                     Gà là quà biếu tặng
-                     Gà là của lễ để cúng tế
-                     Gà là đồ ăn để đãi khách : khách đến nhà không Gà thì vịt.
Bác Đôn 55 năm làm đầu bếp cho các khách sạn. Bác đã xuất bản một cuốn sách “Nghệ Thuật Làm Các Món Ăn Việt Nam”. Bác viết 2500 món, trong đó có 150 món dùng thịt Gà, 550 món dùng trứng Gà.
-                     Gà là hình ảnh ấm cúng của gia đình.
Do đó, Tết nào cũng có Gà, có tranh Gà. Ông Tú Xương đã viết câu thơ :
         Đì đẹt ngòai sân tràng pháo chuột
         Om sòm trên vách bức tranh Gà.

Nguồn gốc Gà :
Theo thần thoại Hy Lạp, Gà là thần A-lek-tru-en. Thần Alektruen có nhiệm vụ canh gác cho thần Mars (Chiến Tranh) và thần Venus (Sắc Đẹp). Thần Alektruen đã không hòan thành nhiệm vụ, nên thần Mars biến thần Alektruen thành con Gà Trống và đày xuống dương gian, để canh thức, để giữ giờ cho dương gian.
Tất cả các giống Gà nuôi trên thế giới hiện nay đều từ tổ tiên của chúng là Gà Rừng Ban-ki-va ở Đông Nam Á . Gà rừng Bankiva hiện còn sống trong rừng rậm ở Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, đảo Sumatra của Indonesia và Đông Dương. Có thể Ấn Độ là nước thuần dưỡng Gà đầu tiên. Ở đây người ta tìm thấy những di tích điêu khắc cổ vào năm 3200 trước Chúa Giáng Sinh (CGS).
Châu Âu mới biết nuôi Gà từ thế kỷ thứ V trước CGS. Châu Mỹ La Tinh thì mới biết nuôi Gà hơn 500 năm, do người Tây Ban Nha đem Gà sang. Trước đó, họ nuôi Gà rừng.

Các loại Gà :
Trong sách vở viết về Gà, người ta vẫn công nhận thịt Gà giống Bra-ham của Ấn Độ là ngon nhất thế giới. Vì thế Bột Cà Ri để nấu Gà là của Ấn Độ.
Ở Việt Nam ngày xưa có giống Gà mà người Pháp đặt tên là Co-chin-chi-nois. Giống Gà này ngon nhất, to con, thịt mềm và thơm. Gà ngon nổi tiếng ngoài Bắc là Gà Hồ ở Bắc Ninh, Gà Đông Tảo ở Hưng Yên, Gà Mía ở Sơn Tây.
Hiện nay tại Viện Chăn Nuôi Quốc Gia, giáo sư tiến sĩ Vũ Văn Sự nuôi các lòai động vật quí hiếm, trong đó có loại Gà Đông Tảo, Gà Mông, Gà Mía.
Gà Đông Tảo gía mỗi cặp 1,5 triệu. Gà Đơng Tảo là giống Gà có từ lâu đời, được người dân ở đây nuôi thả trong vườn. Nó quí ở điểm là rất to, có thể nặng 6-8 kg một con, thịt lại ngon, nhất l món nấu đông ngày Tết. Đặc biệt giống Gà này có đôi chân to khác thường, đã to lại có lớp vẩy trông rất ngộ. Gà “tám ký’ của Tam Kỳ sức mấy đọ nổi. Từ năm 1990, Bộ Nông Nghiệp đã có chủ trương bảo tồn giống Gà qúi này. Khả năng miễn dịch của giống Gà này rất cao.
Ngày xưa cứ đến gần tết là có cuộc thi. Nhà nào nhà ấy rạo rực mang Gà ra đình làng. Những chú Gà thí sinh nặng 7-8 kg, đầu gộc tre, mình trường vác, chân to như ống điếu cày. Gà nhà ai đoạt giải nhất là được đưa lên kiệu, do bốn cô trinh nữ xinh đẹp nhất làng kiệu rước khắp làng, như rước ông trạng vinh quy bái tổ. Dù là thằng cùng đinh, nhưng nuôi Gà to đẹp nhất làng năm ấy thì cũng thành ông “Trùm Gà”, có một chỗ ở sân đình…, ngồi ngang hàng với lý trưởng. Việc nhỏ việc lớn trong làng đều được mời tham dự. Sợ mất giống, nên vào mùa dịch, Anh Nguyễn Trọng Tích đào hầm để Gà trú ẩn .
Gà trống thiến là một món ăn quí. Có người nuôi trong lồng từ nhỏ.
Ngày nay có Gà Công Nghiệp. Ăn không ngon bằng “Gà đi bộ”, “Gà leo núi”, nhưng đẻ nhiều trứng. Trước năm 1975 trại Gà Gala của dòng Chúa Cứu Thế Đàlạt lớn nhất Miền Nam. Ở Đà Nẵng có hai trại gà lớn nhất Miền Trung, đều là của người Công giáo : một là trại Gà Dân Tiến ở giáo xứ An Hòa, hai là trại Gà Hòa Vinh ở giáo xứ An Ngãi.
Ở Nhật Bản đặc biệt có Gà Yo-ko-ha-ma : Đuôi dài 7m, có khi dài hơn. Giống này thay lông theo định kỳ. Càng nuôi lâu, đuôi càng dài.
Gà đẹp nhất là Gà Ba Lan. Hiện nay có những con Gà Ba Lan trị giá hơn 10.000 đôla, do có sắc lông lạ thường, hoặc ở đầu có nhúm lông dài và đẹp. Bộ sưu tập Gà Ba Lan lớn nhất thuộc về một người Mỹ. Ông ta nuôi gần 2000 con, trong đó có hơn 20 con Gà rất đặc biệt, gọi là “siêu sao”, vì được chọn mua trong các cuộc thi ở Thái Lan, Trung Quốc, Miến Điện… Trại Gà của người Mỹ này trị giá 7 triệu đôla.

Ga đá :
          Gà để ăn thịt, để làm cảnh, và để mua vui. Ai có máu đỏ đen, hẳn cảm được thú đá Gà. Từ đầu thế kỷ 19, thú đá Gà rất thịnh ở Nam Bộ. Tả quân Lê Văn Duyệt là người rất mê đá Gà.
Gà chọi ở nơi nào cũng có, song có những nơi nổi tiếng, như Cao Lãnh, nên câu  vè :                   Gà nào hay bằng Gà Cao Lãnh
                      Gái nào đẹp bằng gái Nha Mân
          Hay câu :       Gà nào hay bằng Gà Cao Lãnh
                      Thuốc nào bảnh bằng thuốc Hồ An.
Ngày xưa Gà Cao Lãnh nổi tiếng, ngày nay nổi tiếng là Gà Cái Mơn, Bến Tre. Xã Cái Mơn có 3500 hộ thì hết 40% chuyên nuôi Gà đá. Nuôi ít thì năm ba chục con, nuôi nhiều thì cả ngàn con. 80% dân trong xã là dân Công Giáo.
Nuôi hay mua được con Gà chọi thật lắm công phu. Trước hết phải xem “ngoại hình”, chỉ cần nhìn cặp chân là biết con Gà có số làm “quan” hay không. Gà được coi là “chiến” là Gà đá tốt, phải biết nhiều đòn, gọi là Gà “ngũ tòan” : đòn mỏ (mổ), đòn cựa (móng), đòn chân (đạp), đòn ức (ngực), và đòn cánh (đập). Gà chiến cũng là do giống : “Gà tại nó, chó tại ta”, chó do ta huấn luyện, Gà do giống. Người ta cũng nói : “chó giống cha, Gà giống mẹ”, không những chọn Gà Trống mà cả Gà Mái lám giống. Một con Gà nòi trung bình giá 1,5 triệu.
Trại Gà chọi của ông Lê Văn Đấu ở Qui Nhơn có 200 Gà mái và 15 con Gà cồ. 200 Gà mái thuộc hai giống chính : giống Bảy Quéo lừng danh từ thời Tây Sơn; giống Ngân Hàng nghĩa là gà đá ăn nhiều tiền phải gửi vào ngân hàng. Gà Bảy Quéo giá một con là 3 triệu đồng.
Đá Gà thú thật thú, nhưng cũng là một thứ ngu. Dân gian có câu :
                        Trên đời có năm cái ngu
                        Bốn ngu truyền thống thêm ngu Đá Gà
Người ta cho rằng : hai câu thơ trên là do các bà vợ sáng tác. Các bà đã quá khổ vì chồng vì con có máu đỏ đen. Trong hịch Bình Ngô Đại Cáo của tướng Trần Hưng Đạo đã trách người ta không nghĩ đến nước, mà chỉ ham đá Gà.

Gà làm thuốc
Giáo sư tiến sĩ Đỗ Tất Lợi đã kê 8 đơn thuốc bằng thịt Gà để chữa các bệnh : da nổi mẩn đỏ, điên, phụ nữ sẩy thai, tiểu đường, suy nhược, tả lỵ, da vàng bụng ỏng, tay chân đau nhức. Thầy lang Trọng Nghĩa còn giới thiệu một môn thuốc bổ là Gà hầm với sâm tam thất. Thầy Vàng ở Đà Nẵng dùng Gà non để bó xương gẫy.

Trứng Gà
Trứng Gà là món ăn bổ nhất trong các món ăn. Bánh mì ốp-la, ơi tuyệt vời ! Cha Antôn Trần Văn Trường sáng nào cũng điểm tâm bằng món ăn “tuyệt vời” này. Thế nhưng, trứng Gà có nhiều chất cholesterol trong lòng đỏ, dễ bị bệnh tim mạch. Xin Chúa đừng cho cây “cổ thụ giáo lý” này bị đốn ngã.
Gà của anh Paul ở California đẻ trứng không có chất cholesterol. Anh pha chế thức ăn, để Gà đẻ trứng không có chất hại người. Trại Gà của anh có hơn 100 ngàn con. Mỗi ngày đẻ cho anh 80-90 ngàn trứng.

Gà làm xiếc
Chó, khỉ, voi, ngựa làm xiếc. Ai ngờ Gà cũng làm xiếc. Ở Pháp có người đã dạy Gà biết nghe lời chủ để biểu diễn những trò lạ cho khách xem. Đó là ông Sam, chủ khách sạn ở Tours.
Ông gọi : Julien ra đây. Con Gà trắng Julien bay ra đậu lên vai ông.
Ông hỏi : hai cộng với bốn là mấy. Con Gà dùng mỏ mổ 6 lần lên đầu ông.
Sau khi làm xiếc xong ông bảo : thưởng cho điếu thuốc, Gà lấy mỏ cặp điếu thuốc; thưởng cho ly rượu. Gà cho mỏ vào ly rượu nhắp nhắp.

Bói chân Gà
Ngày mùng 9 Tết, dân quê thường cúng một con Gà trống còn non đã luộc. Sau đó, nhờ các thầy cúng xem chân Gà.
Ngón cái chỉ vào ngón trong thì thuộc về gia đình
Ngón cái chỉ vào ngón ngòai thì thuộc về người ngòai
Ngón cái chỉ vào ngón giữa thì thuộc chủ
Ngón cái chỉ vào khe các ngón thì không ứng nghiệm gì cả.
Cũng bói theo gân máu Gà.

Đức tính Gà
Gà ngon, Gà bổ, Gà chữa bệnh, Gà mua vui, Gà còn là biểu tượng cho 5 đức   
Tính :
     1-Đức Nhân : Gà tìm được mồi không ăn một mình, gọi con, gọi bạn tới
          cùng ăn. Gà có tính tập đòan và thương người.
2-Đức Dũng : Gà trống khi chọi thì chọi đến cùng. Gà mái thì bảo vệ con. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu thấy cảnh : Gà mẹ trông thấy diều hâu, vội xoè cánh, kêu các Gà con tới núp dưới cánh. Thánh nữ Têrêxa đã khóc khi nhớ đến lời Chúa Giêsu nói về thành Giêrusalem : “Đã bao lần Ta muốn tập hợp các ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu” (Mt 23,37).
3-Đức Tín : Hằng ngày Gà gáy rất đúng giờ. Chúa Giêsu bảo thánh Phêrô : “Nội đêm nay Gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy…Ngay lúc ông còn đang nói thì Gà gáy…Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo…Và ông ra ngòai, khóc lóc thảm thiết” (Lc 22,34.60-62).
4-    Đức Văn : dáng Gà, mào Gà, lông Gà biểu lộ vẻ đẹp
5-    Đức Võ : cựa Gà nhọn sắc là vũ khí để chiến đấu.

Tiếng Gà Gáy
Tiếng Gà gáy để báo giờ, mà còn báo sự tươi đẹp của thời thế.
Trước nỗi nhục mất nước, ông Tú Xương đã mơ ước :
           Sực tỉnh trông ra ngỡ sáng lòa
           Đêm sao đêm mãi thế ni mà
           Lạnh lùng bốn bể ba phân tuyết
           Xao xác năm canh một tiếng Gà
Nhà yêu nước, thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu, cũng một tâm trạng ấy :
           Hiểm vì ngại chạy còn xa
           Thỏ vừa ló dạng. Gà đã gáy tan
Tục ngữ có câu :
            Chuồng phân nhà, chẳng để Gà người bới
            Thà làm miệng Gà, chẳng thà làm đít trâu
Thi sĩ Huy Cận nói rõ:
             Tỉnh dậy, lòng ơi,  ê chề, hãy tỉnh
             Gà gáy mai đem sức lại cho đời.
Năm Gà là năm tốt, năm của sự lành, năm của an bình.
Nguyễn Bỉnh Khiêm nói tiên tri : “Dậu kiến thái bình”
Năm Ất Dậu 1285 Trần Thủ Độ thắng quân Tầu
Năm Đinh Dậu 1767 Tây Sơn khởi nghĩa
Kỷ Dậu 1789 vua Quang Trung thắng quân Thanh

Văn ngôn Gà
Người ta đã dùng Gà để làm thành những câu văn, câu vè, câu đối, để dạy đời : Gà què, Gà mờ, Gà điên, Gà dịch, Gà mắc giây thung, quáng Gà, Gà què ăn quẩn cối xay, vắng chủ nhà Gà mọc đuôi tôm, lúng túng như Gà mắc tóc, nháo nhác như Gà mắc đẻ, trông Gà hóa quốc, trói Gà không chặt, ông nói Gà bà nói vịt, chữ viết như Gà bới, Gà nhà bôi mặt nhau, Gà trống nuôi con, mẹ Gà con vịt, cõng rắn cắn Gà nhà, Gà cùng một mẹ chớ hòai đá nhau, bút sa Gà chết, khôn ngoan đối đáp người ngòai Gà cùng một mẹ chớ hòai đá nhau.
Người ta ghét nhất là Gà hay bới móc, bạ đâu ị đó.
 
Cám ơn Chúa đã cho chúng ta sống thêm một năm. Xin Chúa cho chúng ta sống một cuộc sống đầy ý nghĩa, mà tổ tiên đã mong muốn khi lấy Gà đặt tên cho năm nay : năm Đinh Dậu, năm con Gà.
Năm nay là năm tuổi, tuổi Gà của Đức cha Giuse chúng ta. Ngày 18-1 vừa qua, Giáo phận chúc tuổi Đức cha. Đức cha căn dặn “Có ăn thịt của em, thì hãy nhớ thịt em đã hiến tế”. Đức cha muốn nhắc lại câu nói của thánh Inhaxiô thành An-ti-ô-ki-a. Thánh nhân tử đạo năm 107. Trên đường ra pháp trường, ngài viết thư xin các giáo đoàn giúp thánh nhân sớm được thú dữ nghiền nát, để nên bánh hiến dâng Chúa. Ngài viết : “Tôi viết cho mọi Hội Thánh và loan báo cho mọi người biết tôi sẵn sang chết vì Chúa, miễn là anh em đừng ngăn cản tôi. Hãy để tôi nên của ăn cho thú dữ, cho tôi được về cùng Đấng tác tạo nên tôi. Tôi là hạt lúa miến của Thiên Chúa, tôi sẽ bị răng thú dữ nghiền nát, để trở nên bánh tinh tuyền của Đức Kitô. Anh em em hãy cầu xin Đức Kitô cho tôi, để nhờ các khổ hình, tôi trở nên hiến lễ cho Thiên Chúa” (LMTV,T.II,trang 264).
Chúng ta nhớ cầu nguyện cho Đức cha mạnh hồn khỏe xác..



MỒNG HAI
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN
Hc 441-10.15
Ep 6,18-33
15,1-6


Khi đem Tin Mừng vào đất Việt, nhiều vị thừa sai đã ca ngợi : “Tại Việt Nam một thuận lợi lớn cho công việc truyền giáo, đó là tinh thần đạo hiếu”.
Với người Việt, hiếu thảo đối với cha mẹ là một đạo, một tôn giáo. Hiếu thảo là đạo hiếu, đạo ông bà, đạo thờ kính tổ tiên. Giáo sư Nguyễn Văn Trung nói : “Trước khi đạo Phật, đạo Công giáo truyền vào nước Nam, thì người Việt Nam đã có đạo, đạo hiếu”.
Công ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ kể sao cho xiết. Ca dao tục ngữ đã nhắc nhở:
-         Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
-         Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẹ hiền.

Khi cưới hỏi, khi cha mẹ chết, nghe những bài hát về công ơn cha mẹ, cầm sao được đôi dòng nước mắt !

Đạo Phật ví cha mẹ là hai vị Phật sống ở nhà : “Cha mẹ ở nhà như Phật tại trần” :
Có hai Phật sống trong nhà
Sớm hôm lể niệm đâu cần đi xa

Đạo Công giáo coi việc thảo hiếu là một giới răn. Sách Huấn Ca viết :
Kẻ thờ cha thì được thứ tha tội lỗi
Người kính mẹ khác nào tích trữ kho tàng
Kẻ kính cha sẽ được trường thọ
Ai vâng lời Chúa sẽ làm cho mẹ được an tâm”.

Cha Alexandre de Rhodes, tên Việt là Đắc Lộ, sang Hội An truyền đạo năm 1624, đã tổ chức ba ngày Tết thành ba ngày kính ba cha : ngày mồng một kính cha trên trời, ngày mồng hai kính cha dưới đất (vua), ngày mồng ba kính cha gia đình. Cha viết : “Ta phải biết là có ba đấng bề trên là ba cha. Ta phải thờ đấng nào cho nên đấng ấy. Đấng Dưới là cha mẹ sinh ra thân xác, Đấng Giữa là vua chúa trị nước, Đấng Trên Hết là Đức Chúa Trời. Có Ba Đấng ấy, chúng ta mới sống được”.
Đạo hiếu là điều răn thứ tư, nhưng năm 1742, Tòa Thánh cấm không được thờ kính tổ tiên : không được lập bàn thờ, không được hương đèn hoa trái kính ông bà. Từ đó, người Việt Nam nhìn đạo Công giáo là “đạo bỏ ông bỏ bà”. Nhiều người rất mến phục đạo, nhưng không dám vào, vì sợ bỏ ông bỏ bà. Năm 1939, sau khi đã tìm hiểu, Tòa Thánh không còn cấm nữa.
Bàn thờ tổ tiên đặt trịnh trọng nơi gian giữa, chỗ sang trọng nhất trong nhà. Bất cứ việc gì trong gia đình, việc lớn cũng như việc nhỏ đều nhớ đến ông bà tổ tiên. Ít ra cũng thắp vài nén hương, một đĩa hoa trái dâng ông bà, xin ông bà phù hộ.
Người lương, nếu giầu có, thì trước mấy ngày Tết, nghèo khổ thì chiều 30 Tết, làm cơm cúng ông bà, mời ông bà về ăn Tết với con cháu.. Mồng ba hay mồng 10 lại làm cơm cúng tiễn ông bà đi.
Ngày Tết, vào nhà chúc tuổi nhau, người khách đến trước bàn thờ tổ tiên thắp nén nhang nhớ đến ông bà, rồi mới chúc tuổi nhau.
Mỗi lân Tết về , nhìn dòng người miền Bắc, miền Trung, miền Tây Nam Bộ lũ lượt về ăn Tết thật là cảm động. Khi đi ra, máy bay, xe lửa, xe hơi không còn chỗ, phải ngồi nhét đưới gầm xe. Khi đi vô thì xe trống, không một người đi. Mọi người tìm về quê cha đất tổ. Tết là dịp làm ấm lại tình cảm gia đình, tình nghĩa xóm làng, và lòng thảo hiếu tổ tiên.


MỒNG BA
THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM
St 2,4b.9-15
Cv 20,32-35
Mt 25,14-30

Trong thánh lễ mồng ba Tết hôm nay, chúng ta được nghe Lời Chúa nói về công ăn việc làm, về cuộc sống lao động.
Bđ1 : Công việc tạo dựng trời đất con người được kể trong hai bản văn. Chúng ta biết nhiều về bản văn thứ nhất, bàn văn Thiên Chúa tạo dựng trong 6 ngày. Bản văn thứ I này khiến chúng ta dễ hiểu sai lao động là “mồ hôi nước mắt”, là “cái máy sản xuất”, là “đầy tớ của các đại gia”, là “nô lệ của đồng tin.
Sau khi ông bà phạm tội, Thiên Chúa ra án phạt : “Đất đai sẽ bị nguyền rủa vi ngươi, ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi mới kiếm được miếng ăn bởi đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có cơm ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất ngươi được lấy ra. Ngươi là bụi đất và sẽ trở về bụi đất” (St 3.17-19).
Thế nhưng công việc sáng tạo còn được kể trong bản văn thứ II, bản văn trong bài đọc 2 thánh lễ hôm nay. Bản văn đề cao lao động, “lao động là vinh quang”.
Bản văn kể rằng : “Ngày Đức Chúa là Thiên Chúa làm ra đất và trời, trên mặt đất chưa có bụi cây nào ngoài đồng, chưa có đám cỏ nào ngoài đồng mọc lên, vì lúc Đức Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và chưa có người nào để canh tác đất đai” (St 2,4b-5).
Như vậy, đất đai là một bãi sa mạc, vì chưa có nước, và chưa có con người. Nước và người là hai yếu tố quan trọng trong việc lao động.
Thiên Chúa dựng nên nước : “Có một dòng nước trào lên và tưới khắp mặt đất” (St 2,6). Rồi Thiên Chúa dựng nên con người : “Đức Chúa là Thên Chúa lấy bụi đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở nên một sinh vật… để canh tác và trông coi vườn” (St 2,7.15).
Chẳng những con người được phúc “canh tác” và “trông coi vườn”, mà còn được nghỉ ngơi trong vườn địa đàng và được thưởng thức những trái ngon vật lạ : “Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen về phía đông và đặt vào đó con người do mình nặn ra. Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây thấy thì thèm, ăn thì ngon” (St 2,8-9).
Bđ2 : Bài đọc 2 là một đoạn văn kể lại cuộc đời lao động của thánh Phaolô. Biết rằng khi trở về Giêrusalem thế nào cũng bị người Do Thái bắt và giết, thánh Phaolô triệu tập các đầu mục của giáo đoàn Êphêsô về Milêtô, để người giã biệt. Thánh nhân nói : “Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai tôi không ham... Những gì cần thiết cho tôi và nhũng người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp... Tôi luôn tỏ ra cho anh em thấy rằng : phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế” (Cv 20,33-35).
Có lần thánh Phaolô đã khuyên giáo đoàn Thêxalônica : “Ai không chịu làm thì đừng ăn. Thế mà chúng tôi nghe nói : trong anh em có một số người sống vô kỷ luật chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để tự mình kiếm được của nuôi thân” (2Tx 3,10-11).
BTM : Bài Tin Mừng là dụ ngôn “Những yến bạc”. Có ba hạng người đầy tớ : hạng thứ I chủ giao 5 yến bạc, anh ta làm lời thành 10 yến; hạng đầy tớ thứ II chủ giao 2 yến, anh làm lời thành 4 yến; hạng đầy tớ thứ III, chủ giao cho 1 yến, anh không làm lời, vẫn là 1 yến. Hai hạng trên Chúa khen là “đầy tớ tài giỏi và trung thành. Hãy vào hưởng niềm vui của chủ” (Mt 25,23). Hạng thứ III, Chúa trách : “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác...vô dụng, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài. ở đó phải khóc lóc nhiến răng” (Mt 25,30).
Trong bản tiếng Anh, yến bạc là tài năng (talent). Tài năng mỗi người là yến bạc Chúa trao để làm lời, làm cho trái đất thêm đẹp, cho tha nhân được nhờ.

(Lm. hữu dưỡng Đà nẵng Giuse Nguyễn Trung Thành )

Thi ca sống đạo

THÁNH HÓA “ tôi”
* * * * * * * * *
Năm mới xem như phấn khởi rồi
Đổi thay, thêm bớt một câu “TÔI”
Tinh thần dân tộc bao thâm thúy,
Chữ nghĩa thi ca lắm gọi mời
Kính Chúa mang theo điều tín lý
Yêu người thực hiện lối ra khơi.
Ước mong năm mới, đường đi mới,
Thay đổi tâm hồn, thánh hóa “ tôi “
- - - - - - - - -
Jos.  Hương Quê


 Thánh lễ 05g00 sáng ngày Mồng Một Tết Đinh Dậu 2017 
tại gx. Nam Hòa do Quý Cha Chánh Phó Xứ và Thầy Giúp Xứ đồng  tế với sự hiệp dâng của toàn thể tín hữn trong ngoài giáo xứ 

Sau Thánh Lễ là buổi liên hoan chúc mừng Năm mới Đinh Dậu do Quý Cha-HĐMV-và toàn thể giáo dân Nam Hòa giao lưu hiệp chúc theo truyền thống GX. Nam Hòa.
Một số hình ảnh đã ghi nhận.

























































































































































TẾT MUÔN ĐỜI
* * * * * * * * *
Năm Gà xuân mới cảnh thêm tươi
Đinh Dậu bình yên phúc lộc Trời
Tết đến vui mừng trong cảm tạ
 Xuân về mừng chúc, chẳng đua chơi
Phận hèn sức yếu xin nâng đỡ
Thân mọn lòng ngay khấn nhậm lời
Nhẫn nhục khiêm cung đường vươn tới
Tôn vinh Thiên Chúa Tết muôn đời./
* * * * * * * * *
Jos. Tinh hoa
































0 nhận xét :

Đăng nhận xét