Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016



Hôm nay 08-12-2016 - Lịch công giáo -Lễ trọng
Thi ca sống đạo

Mừng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

* * * * * * * *
Thiên Chúa Ngôi Cha đã liệu bài
Chương trình cứu độ dựng Ngôi Hai
Cõi lòng vô nhiễm nơi tôn xứng,
Cung điện vẹn tuyền Đấng trinh thai
Cứu chuộc, hiệp công Con Đức Chúa
Phúc vinh chia sẻ, Mẹ Thiên Đài
Trần gian khao khát điều công chính
Viên mãn hòa bình, vọng Thánh ngai
* * * * * * * * *
Jos.Hương Quê,



Bài giảng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, 08/12: 'ĐẦY ÂN SỦNG" (Hiền Lâm)

Thánh Thần đã chuẩn bị Đức Maria bằng ân sủng. Mẹ “đầy ân sủng” vì là Mẹ của Đấng “nơi Người tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện, cách cụ thể” (x. Cl 2, 9).

Lc 1, 26- 38
Ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm, Phụng vụ Giáo hội cho chúng ta nghe bài Tin Mừng về cuộc truyền tin. Bài Tin mừng làm chói sáng lên với ba nét đẹp của Đức Maria là Đấng đầy ân sủng, là nữ tỳ khiêm hạ và lời đáp trả “xin vâng”: Ở đây, chúng ta đặc biệt suy tư về tước hiệu ĐẤNG ĐẦY ÂN SỦNG, vì chính điều này củng cố rõ nét nhất cho tín điều MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI mà Đức Pio IX đã tuyên bố trong thông điệp “Ineffabilis Deus”

1. Ân sủng tái sinh.
Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội,  nghĩa là Đức Mẹ được đặc ân Thiên Chúa giữ gìn khỏi phải tội nguyên tổ.
Thế nhưng tội nguyên tổ là gì ? Cho đến nay vẫn không ít người cả đạo lẫn đời vẫn thắc mắc: Tại sao tội của một người phạm mà đời này qua đời khác con cháu vẫn phải mang và đứa trẻ mới sinh ra sao lại phại rửa tội nguyên tổ ?
Chúng ta có thể loại suy để tìm câu trả lời qua ví dụ sau:
Như một gia đình kia, bố mẹ có một lượng vàng, dự định sẽ cho đứa con trai làm của hồi môn khởi nghiệp khi nó lấy vợ. Không may tối hôm trước đám cưới, kẻ gian đã trộm mất lượng vàng, thế rồi ngày cưới bố mẹ không còn lượng vàng kia để cho đứa con trai nữa. Và rồi đứa con trai này cũng không có cây vàng đó để cho đứa con anh sinh ra… và sau này cứ tiếp tục mãi mãi dòng họ đến đời cháu chắt chit… vẫn không có cây vàng từ ông bà tổ truyền lại vì đã mất. Cho đến một ngày, có một vị ân nhân thương hoàn cảnh khổ sở nên đã tặng cho họ một lượng vàng để sinh sống.
Từ xưa, Bổn Lẽ Cần (Giáo Lý Căn Bản): “Tội nguyên tổ làm cho ông bà và con cháu mất sự sống siêu nhiên, mất đặc ân Chúa ban, hậu quả là phải đau khổ và phải chết” (x. GLCG số 416-419).
Như vậy, ban đầu ông bà nguyên tổ có sự sống siêu nhiên và ân sủng, nhưng do phạm tội bất tuân nên đã đánh mất đi sự sống siêu nhiên đó. Hệ quả là không có mà truyền lại cho con cháu từ đời này qua đời khác. Vì vậy, ý nghĩa đầu tiên của Phép Rửa Tội tức là tái sinh, là Chúa Giêsu Kitô trả lại cho chúng ta sự sống siêu nhiên đã mất và còn nâng nhân loại lên một tầm mức cao hơn nguyên thủy. Điều mà ông bà ao ước ngày xưa muốn nên như thần linh, thì nay Chúa Giêsu nói ngày sống lại sẽ như các thiên thần. tuy nhiên, con người sẽ trở nên như thần minh nhờ khiêm tốt và vâng phục, chứ không phải là kiêu ngạo và bất tuân.
Còn mẹ Maria, Mẹ cũng là con người, sao lại được đặc ân vô nhiễm ?
Điều này phải lẽ thôi, cũng như chúng ta có một món quà cao quý như vàng hay ngọc, đương nhiên chúng ta cất giữ nó và bảo vệ nó bằng chiếc hộp tốt nhất. Đức Maria cưu mang Đấng là Thiên Chúa, là món quà cao quý nhất của Chúa Cha trao tặng nhân loại, thì từ đời đời, Thiên Chúa đã chuẩn bị và giữ gìn một cung lòng tuyệt đối trong trắng và thánh thiện. Chúng ta đọc trong kinh cầu Đức Bà rằng: “Đức Bà như Hòm Bia Thiên Chúa vậy”.
Sau đây, chúng ta cùng nghe Giáo Hội nói qua các suy tư thần học:

2. Ân sủng giữ gìn Đức Maria.
“Đấng đầy ân sủng”.
Ân sủng (Kharis - Kêkharitomênê): là tính từ thụ động trở thành danh từ "Đấng lấp đầy ân sủng". Từ sau lời chào: “Mừng vui lên, hỡi Bà đầy ân sủng”, Đức Maria được mang tên là Đấng Đầy Ân Sủng. Tước hiệu này được hiểu theo hai khía cạnh:
- Thiên Chúa đổ tràn đầy ân sủng. Ân sủng không do công nghiệp của con người, nhưng hoàn toàn là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa muốn chọn cho Con Mình một người Mẹ trần thế để thực hiện mầu nhiệm Nhập Thể, Người đã chuẩn bị cho kẻ được chọn là Đức Maria “được tràn đầy ân sủng”. Chính việc tràn đầy ân sủng này làm cho các giáo phụ liên tưởng đến đặc ân vô nhiễm, Thiên Chúa gìn giữ Đức Maria khỏi tội, từ lúc được thụ thai… như thế mới xứng đáng đón nhận Con Thiên Chúa, Đấng không hề biết tội là gì, vào trong cung lòng mình.
- Hồng ân được ban để giúp cho nhân vật chu toàn một trách nhiệm do Thiên Chúa thiết đặt. Nói như thánh Phaolô “Hồng ân là để xây dựng nhiệm thể”. Ở đây còn cao trọng hơn: Đức Maria được trang bị hồng ân để làm Mẹ Đức Giêsu, Con Thiên Chúa
“Mừng vui lên, hỡi Bà đầy ân sủng” (Lc 1, 28).
Lời chào của thiên sứ Gabriel đã dứt khoát đưa Đức Maria vào mầu nhiệm Chúa Kitô, vào khởi nguyên mới của thời kỳ cứu độ đã đến. Sau lời công bố “Bà đầy ơn phúc”, thiên sứ còn cúi chào “con người được chúc phúc giữa các phụ nữ” (x. Lc 1, 42), điều này làm nổi bật lời chúc lành của Thiên Chúa Cha mà thánh Phaolô viết cho chúng ta trong thư Êphêsô: “Trong Đức Kitô, từ cõi trời Người đã thi ân giáng phúc, cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (Ep 1, 3). Đó là “lời chúc lành linh thiêng mang tính chất đầy tràn và phổ quát xuất phát từ tình yêu nối kết Chúa Con đồng bản thể với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Đồng thời đó cũng là lời chúc lành được tuôn đổ qua Đức Kitô Giêsu đến cho mọi người trong lịch sử nhân loại. Dù vậy, lời chúc lành này đến với Đức Maria thật phi thường: thật thế, bà Elizabeth cũng đã gọi Đức Maria là “diễm phúc hơn mọi người nữ” (Redemptoris Mater, số 3)
Theo ngôn ngữ Thánh Kinh, ân sủng là một ân ban đặc biệt, và theo Tân Ước, ân ban này có nguồn gốc từ Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng là tình yêu, mà hoa trái của tình yêu là sự tuyển chọn. Sự tuyển chọn thuộc về kế hoạch muôn đời của Thiên Chúa muốn cứu độ loài người bằng cách cho tham dự vào đời sống của Người trong Đức Kitô (x. 2Pr 1, 4).
Trong mầu nhiệm Chúa Kitô, Đức Maria đã hiện diện “trước cả khi tạo thành vũ trụ”, cùng như “trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã chọn chúng ta trước cả khi tạo thành vũ trụ” (Ep 1, 4), vì Mẹ là Đấng được Thiên Chúa Cha “tuyển chọn” làm thân mẫu cho Con của mình trong mầu nhiệm Nhập Thể, và là Đấng được Chúa Con cùng với Chúa Cha tuyển chọn, bằng cách phó trao Mẹ từ muôn thuở cho Chúa Thánh Linh của sự thánh thiện. Đức Maria được liên kết với Chúa Kitô cách đặc biệt và độc đáo, nhờ đó, từ muôn thuở Mẹ được yêu mến trong Người Con chí ái này, trong Người Con đồng bản thể với Chúa Cha, trong Người Con đó tất cả vinh quang của ân sủng đều qui tụ về. Đồng thời, Đức Maria vẫn luôn rộng mở cho “hồng ân đến từ bên trên” (x. Gc 1, 17). Như công đồng Vaticano II dạy, Đức Maria trổi vượt trên các người khiêm hạ và khó nghèo của Thiên Chúa, là những người tin tưởng, hy vọng và lãnh nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa (Lumen Gentium số 2)
Đặc ân “đầy ơn phúc” cũng hướng đến toàn bộ hồng ân siêu nhiên mà Đức Maria đã lãnh nhận, chỉ vì Mẹ được tuyển chọn và được xác định làm Thân Mẫu Chúa Kitô, và sự tuyển chọn này có thể nói là độc nhất và phi thường, đưa đến đặc tính duy nhất của vị trí Đức Maria trong mầu nhiệm Chúa Kitô cứu độ. “Vinh quang của ân sủng” được biểu hiện nơi Mẹ Thiên Chúa qua sự kiện Mẹ được cứu độ lạ lùng (x. Ineffabils Deus) Nhờ ân sủng sung mãn của Người Con chí ái, dựa vào công nghiệp cứu độ của Đấng trở thành con của mình, Đức Maria đã được gìn giữ khỏi mọi tỳ ố của nguyên tội. Như thế, ngay từ giây phút đầu tiên thành thai, ngay lúc khởi đầu hiện hữu, Đức Maria thuộc về Đức Kitô, được thông phần vào ân sủng cứu độ và thánh hoá, và vào tình yêu xuất phát từ Người Con yêu dấu của Chúa Cha, Đấng qua mầu nhiệm Nhập Thể đã trở thành Con của Mẹ. Vì thế, trên bình diện ân sủng, nghĩa là việc tham dự vào bản tính thần linh, Đức Maria, nhờ Chúa Thánh Thần, nhận lãnh sự sống từ Người Con mà Mẹ sinh ra, và Đức Maria đón nhận “sự sống mới” này cách tràn đầy, thích ứng với tình yêu của Con dành cho Mẹ- và thích ứng với phẩm giá Mẹ Thiên Chúa- nên thiên thần đã gọi Mẹ lúc truyền tin là “Đấng đầy ân sủng” (Redemptoris Mater, số 10)
Như vậy, truyền tin chính là mạc khải mầu nhiệm Nhập Thể vào lúc khởi đầu việc thực hiện mầu nhiệm này trên trái đất. Việc Thiên Chúa ban tặng chính mình, ban tặng cuộc sống thiên linh của mình cho toàn thể thụ tạo, đặc biệt là cho con người, đạt tới đỉnh cao trong mầu nhiệm Nhập Thể. Thật vậy, mầu nhiệm này là đỉnh cao của tất cả hồng ân trong lịch sử nhân loại và của cả vũ trụ. Đức Maria được “đầy ân sủng” vì việc nhập thể của Ngôi Lời: sự liên kết của Con Thiên Chúa với nhân tính trong một bản vị được thực hiện và hoàn tất nơi Mẹ. Như công đồng Vaticano II khẳng định: “Đức Maria là Mẹ Con Thiên Chuá, do đó là Nữ Tử yêu dấu của Chúa Cha và là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Nhờ lãnh nhận ân sủng vô cùng cao quí, Mẹ đã trổi vượt mọi tạo vật khác trên trời dưới đất” (Lumen Gentium số 53)
Sách Giáo Lý Công Giáo số 722 cũng dạy: "Thánh Thần đã chuẩn bị Đức Maria bằng ân sủng. Mẹ “đầy ân sủng” vì là Mẹ của Đấng “nơi Người tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện, cách cụ thể” (x. Cl 2, 9). Chỉ nhờ ân sủng, Mẹ đã được thụ thai không hề mắc tội, như là thụ tạo khiêm tốn nhất, xứng đáng nhất để đón nhận hồng ân khôn tả của Đấng Toàn Năng. Thiên sứ Gabriel chào Mẹ bằng tước hiệu cao trọng “Nữ Tử Sion”: “Mừng vui lên!” Khi cưu mang Ngôi Con Hằng Hữu, dưới tác động Thánh Thần, Đức Maria đã dâng lên Chúa Cha lời tạ ơn của toàn thể Dân Chúa là Hội Thánh.

Hiền Lâm.



















THE END





0 nhận xét :

Đăng nhận xét