Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016




Giáo Xứ Nam Hòa : Đón Mừng Giáng Sinh với chủ đề :
THIÊN CHÚA VIẾNG THĂM DÂN NGƯỜI (Luca 7-11-17)
Được sự cổ vũ và động viên của Cha Chánh xứ Nam Hòa Giuse Trần Văn Lưu
Ban Thường Vụ HĐMV-Gx. Nam Hòa đã kết hợp với các Giáo họ, đoàn thể, ca đoàn để thiết lập chương trình Mừng Giáng sinh 2016.

Việc trang trí hoa đăng tại các Giáo họ và các gia đình lân cận thánh đường được bắt đầu từ Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng.

Buổi trình diễn tổng dợt : được thực hiện vào tối thứ Hai ngày 19-12-2016 lúc 19g30’

Buổi trình diễn chính thức : Ca Mừng Giáng Sinh vào tối thứ Ba ngày 20-12-2016 lúc 19g30’

Sau thánh lễ chiều 20-12-2016 Cha Chánh xứ đã mời gọi quý chức tân cựu cũng như toàn thể cộng đoàn Giáo xứ hãy tích cực đến tham dự chương trình Thánh Ca để bày tỏ tâm tình tri ân Thiên Chúa yêu thương cứu chuộc nhân loại, cũng như cổ vũ, động viên tinh thần sốt sắng của quý Ca trưởng,  trong 14 Ca đoàn và trên 500 ca viên bằng các tiết mục tham gia  với nhiều thể loại nhạc, kịch nghệ. . .đã cố gắng  cập nhật và tập luyện kiên trì để đem lại nhiều thành quả cao đẹp xứng đáng phụng sự Thiên Chúa và phục vụ  giáo xứ cũng như cộng đồng giáo họ và các đoàn thể trong suốt 10 năm qua.

Trước khi khai mạc 15 phút, Ban Tây nhạc của giáo xứ đã cử lên những bản thánh ca mừng Chúa giáng sinh thật cảm động làm dấy lên không khí Đại lễ Giáng sinh của Giáo hội Công giáo cũng như thúc giục mọi người mau mau đến thánh đường, Ban Tây nhạc vừa dứt, Ông Chánh Trương Giuse Nguyễn Tuấn Khang cùng cộng đoàn đã hát Kinh Cầu xin Chúa Thánh Thần thật sốt sáng để đón mời Cha Chánh xứ chủ sự cuộc rước Chúa Hài đồng có Thầy Giúp xứ và Ban lễ sinh phụ trách từ cuối nhà thờ lên  hang đá Be-lem tại gian cung thánh và xông hương  tôn kính Chúa . 

Cha tuyên bố khai mạc Đêm Thánh Ca Mừng Giáng Sinh trong tiếng vỗ tay thật dài của cộng đoàn. 

Qua sự giới thiệu rất khéo léo và ngoạn mục của cặp nam nữ trẻ hướng dẫn chương trình (MC) các tiết mục trình diễn Thánh ca lần lượt của các Giáo họ, Đoàn thể  và Kich nghệ múa hát  của các cộng đồng cũng như của Lưu Xá Nam Hòa thật hào hứng và mang đầy ý nghĩa của tinh thần Ơn Cứu độ .

Buổi trình diễn được kết thúc đúng giờ quy định lúc 21gh30', Cha Chánh xứ cũng bày tỏ tâm tình cám ơn Cha phó xứ, Quý chức Ban Thường vụ , quý chức của các Giáo họ, các đoàn thể và cộng đồng dân Chúa giáo xứ Nam Hòa đã tham dự sốt sắng và nghiêm trang , nâng cao ý nghĩa của đêm hạnh ngộ thánh thiêng chuẩn bị đón mừng đại lể Giáng sinh 2016 và năm mới 2017.

Trân trọng

MVTT-Gx. Nam Hòa

Jos. Tinh hoa














































































LỄ GIÁNG SINH 2016
Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành - Đà Nẵng

Nói đến Lễ Giáng sinh, phài nói đến đèn điện, đến ngôi sao, đến hang đá...Nhưng hang đá quan trọng nhất.

Hang đá có từ bao giờ ?
Truyện thánh Phan-xi-cô kể lại như sau : “Hai tuần trước lễ Giáng Sinh, thánh Phan-xi-cô mới ông Gio-an Vô-li-ta, một nhà quí tộc, có một ngọn núi cao, có cây cối rậm rạp và nhiều hang hốc. Thánh Phan-xi-cô đề nghị ông : Ông bạn ạ, tôi muốn diễn lại cảnh Be-lem xưa, để thông cảm hết nỗi rét lạnh thiếu thốn của Chúa. Ông gắng giúp tôi một tay. Ông chọn một hang đá rộng rãi trên sườn núi, rồi chuẩn bị cho một máng cỏ, và dắt vào đó một con bò và một con lừa.
Lễ Giáng Sinh năm 1223 không khác gì ở Be-lem xưa. Mầu nhiệm Thiên Chúa ra đời được diễn tả lại. Giữa đêm khuya đêm tối, hàng ngàn ánh đuốc chập chờn kéo nhau theo con đường dốc ngoằn ngoèo đi lên hang đá. Ông Gio-an Vô-li-ta dọn sẵn : có máng cỏ, có bò lừa. Tất cả chờ đợi Con Chúa ra đời. Rừng cây, hang đá lấp lánh ánh sáng và vang dội tiêng hát mừng Chúa ra đời” (Antôn,Thánh Phanxicô Assisi, trang 288).
Hài Nhi Giê-su đã hiện ra trên nền đá lạnh lẽo và nhoẻn miệng cười với thánh Phan-xi-cô. Ngài bế Hài Nhi mềm yếu trong tay, ôm Hài Nhi vào lòng, để xin Hài Nhi sưới ấm cho Ngài... Các nông dân tham dự thánh lễ đã được mắt thấy tai nghe Hài  Nhi Giê-su hiện ra với thánh Phan-xi-cô. Lòng họ bừng sáng, vui sướng” (Murray, Thánh Phanxicô, Hành Trình Và Ước Mơ, trang 85).

Còn ở Việt Nam, lễ Giáng sinh có từ bao giờ ?
Cha Bùi Đức Sinh viết lại : “Năm 1627, nhà Trịnh miền Bắc đem quân vào đánh nhà Nguyễn ở miền Nam, nhưng bị thua; còn nhà Nguyễn thắng. Việc đạo được dễ dàng. Lễ Giáng Sinh ở Vĩnh Điện, Quảng Nam được tổ chức linh đình. Trước thánh lễ rước kiệu Chúa Hài Đồng, kèn trống, bát âm, đốt pháo bông và bắn súng hỏa mai” (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, tập I, trag 112).
Như vậy, chỉ sau 12 năm sau khi hai cha Bu-zo-mi và cha Car-val-ho đặt chân lên đất Đà Nẵng ngày 18-1-1615, Việt Nam ít ra đã có một lễ Giáng Sinh long trọng. Và lễ GS long trọng diễn ra trên mảnh đất Giáo phận Đà Năng của chúng ta.
Ai làm hang đá đầu tiên ?
Trong cuốn ‘‘Người Chứng Thứ Nhất’’ (1959, Sàigòn) của sử gia Phạm Đình Khiêm, theo tài liệu trong ký sự của Cha Đắc Lộ, tác giả có viết về Thày giảng Anrê Phú Yên, vị tử đạo đầu tiên tại VN, có ghi lễ Giáng Sinh khá đặc biệt :
Lễ Giáng Sinh năm ấy (1643) đoàn Thày Giảng đang có mặt tại Kinh đô (Huế). Và lịch sử Giáo Hội VN đã được ghi một cuộc mừng Lễ Sinh Nhật khá ly kỳ, tổ chức ngay trong dinh ông Tổng trấn Nguyễn Phúc Khê, con bà Minh Đức. Tại đây, thày giảng Anrê Phú Yên (tử đạo ở Thanh Chiêm, Phước Kiều), vốn có tài khéo léo dựng nên một hang đá rất đẹp. Máng cỏ ở giữa Thánh Giuse và Đức Mẹ. Giáo hữu khắp vùng lân cận đến viếng Chúa Hài Đồng. Chính ông Tổng Trấn Nguyễn Phúc Khê cùng con cháu, gia nhân đến thờ lạy và triều yết ‘‘Vua vinh hiển xuống thế làm người’’. Không có cha, không có thánh lễ, nhưng đặc biệt có một phụ nữ mạnh dạn và sốt sắng lên tiếng trước mặt giáo hữu và quan khách giảng về sự cao cả Chúa giáng trần. Phụ nữ ấy chính là bà Minh Đức, mẹ quan Tổng Trấn, bà dì của chúa Thượng. (Ngươi Chứng Thứ Nhất. tr. 91). Hang đá, không kể ý nghĩa Chúa sinh ra đời, còn diễn tả một ý nghĩa sâu dậm khác.
Trong tập sách “Thời Thơ Ấu Của Đức Giê-su Thành Na-da-rét”, Đức giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI viết : “Đức Ma-ri-a lấy tã bọc con. Chúng ta có thể tưởng tượng được tình yêu của Mẹ Ma-ri-a và việc Mẹ chuẩn bị cho việc sinh con đầu lòng. Truyền thống các bức họa, dựa trên các giáo phụ, cắt nghĩa “máng cỏ” và “tả lót” theo chiều kích thần học. Hài Nhi mới sinh được đặt trong tả lót báo trước cái chết của Ngài. Cũng vậy máng cỏ được cắt nghĩa như một bàn thờ.
Thánh Âu-tinh giải thích ý nghĩa “máng cỏ” hết sức độc đáo. Trước hết là nơi thú vật tìm thấy thức ăn nuôi dưỡng chúng. Nhưng giờ đây, máng cỏ được dùng để đặt Đấng là bánh từ trời, bánh hằng sống, là thức ăn thiêng liêng nuôi dưỡng con người, là của ăn mang lại cho con người sự sống chân thật  và sự sống vĩnh cửu. Theo nghĩa này máng cỏ chính là bàn tiệc mà Thiên Chúa mời gọi con người đón nhận Bánh hằng sống. Đấng cứu thế sinh ra trong nghèo hèn tỏ lộ một thực tại lớn lao của mầu nhiệm cứu độ nhân loại” (Phạm Đình Phước chuyển dịch, trang 69-70).
Thánh Luca đã kể lại nơi Chúa sinh ra như sau : "Ông Giu-se từ thành Na-da-rét từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê, lên thành vua Đa-vít tức là Be-lem miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ" (Lc 2,4-7).
Be-lem, nơi Chúa sinh ra, có nghĩa là "nhà bánh", "house of bread" (Scott Hahn Catholic Bible Dictionary). Như thế, chẳng những máng cỏ hàm ý Chúa là "bánh hằng sống", mà Be-lem cũng hàm nghĩa ấy.
***
Chúa sinh ra trở nên "bánh hằng sống" nuôi chúng ta, vậy chúng ta trả ơn Chúa, dâng Chúa món quà gì ?
Một đêm Giáng sinh nọ, thánh Giê-rô-ni-mô, vị thánh ở gần hang Belem, để dịch bộ Kinh Thánh, đang quì bên máng cỏ để suy niệm về mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người, bỗng Chúa Hài Đồng hiện ra trong vầng sáng chói lòa.
Chúa hỏi thánh nhân :
 - Giê-rô-ni-mô, con có gì làm qùa cho Ta trong ngày Ta giáng sinh không?
Thánh nhân đáp :
- Lạy Chúa Hài Đồng, con xin dâng Chúa trái tim của con.
Chúa nói :
 - Đúng thế, nhưng con còn có gì khác nữa không?
Thánh nhân thưa :
 - Lạy Chúa, con xin dâng Chúa tất cả những gì con có và tất cả những gì con có thể có.
Chúa Hài Đồng hỏi:
 - Còn điều gì khác nữa không?
Thánh nhân khẩn khoản thưa:
- Con không còn điều gì khác nữa để dâng Chúa.
Chúa Hài Đồng bảo:
- Này Giê-rê-ni-mô, hãy dâng cho ta cả những tội lỗi của con nữa.
Thánh nhân hốt hoảng hỏi lại:
- Ôi, lạy Chúa, làm sao con dám dâng tội lỗi của con cho Chúa ?
Chúa bảo : - Được chứ! Ta muốn con dâng cho Ta tội lỗi của con, để Ta có thể tha thứ cho con. Đó là điều Ta rất mong đợi.
Nghe thế, thánh nhân bỗng bật khóc vì sung sướng.

Chúa giáng sinh để gánh tội trần gian, để xóa tội nhân loại.
Thiên thần nói với thánh Giu-se : "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vi con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi" (Mt 1,20-21).
Giê-su, tên Chúa, có nghĩa là "Thiên Chúa cứu", cứu khỏi tội lỗi.
Khi báo tin cho các người chăn chiên, thiên thần nói : "Hôm nay, một Đấng Cứu độ đã sinh ra" (Lc 1,11). Độ, theo tự điển Hán-Việt của ông Đào Duy Anh, có nghĩa là "qua sông". Phật giáo có kiểu nói "từ bến mê đến bến ngộ", từ bến mê lầm đến bến tỉnh ngộ.

***

0 nhận xét :

Đăng nhận xét