Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015




CN.4.MV.C
Mk 5,1-4
Dt 10,5-10
Lc 1,39-45
 13-12-2015


Lời Chúa trong thánh lễ Chúa nhật thứ IV Mùa Vọng, Chúa nhật cuối cùng, cũng tràn trề "lòng Chúa thương xót và tha thứ".
Bđ1 : Bđ1 đọc sách ngôn sứ Mi-kha. "Mikha là một ngôn sứ dám nói lên sự thât, sự thật của Thiên Chúa và sự thật về con người. Con người là kẻ tội lỗi, vong ân bội nghĩa và thích chạy theo những điều xấu xa; còn Thiên Chúa thì thánh thiện, trung tín và hay thứ tha, sẵn sàng quên hết mọi ngu dại của con người nếu họ thật lòng trở lại. Có lời trách cứ nào mà lại vang vọng đầy tình yêu thương và âu yếm như ở các câu 6,3-4 : Dân Ta hỡi, Ta làm gì ngươi ? Ta đã làm chi khiến ngươi phiền lòng ? Hãy trả lời cho Ta. Phải chăng ... Con người là một kẻ hay chạy theo cái bên ngoài và tưởng đó là điều chính yếu; còn Thiên Chúa lại đòi hỏi và yêu thương cái chính yếu tự trong tâm hồn : Điều Đức Chúa đòi hỏi bạn : đó chính là thực thi công bình, quí yêu nhân nghĩa và khiêm nhường đi với Thiên Chúa của bạn" (CGKPV, Kinh Thánh 2011,trang 2003)
Đọc lời ngôn sứ báo tin Thiên Chúa chọn Belem là nơi xuất hiện Đấng Cứu thế đủ thấy lòng yêu mến của Chúa đối với những người bé nhỏ : "Hỡi Be-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en" (Mk 5,1).
BTM : BTM là bài ca "Ngợi Khen" của Mẹ Maria càng làm cho chúng ta cảm nhận được lòng Chúa xót thương. "Phận nữ tỳ hèn mọn Người đoái thương nhìn tới" (Lc 1,48), "Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường" (Lc 1,52), "Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư" (Lc 1,53)...
Bđ2 : Tác giả thư Híp-ri còn nói lên lòng thương xót vô bờ của Chúa Giêsu khi "hiến dâng thân mình làm lễ tế" (Hr 10,10), để tha tội cho chúng ta.

Gương thương xót và tha thứ của Chúa Cha, Chúa Giêsu, cùng ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng thúc giục chúng ta đáp lời mời gọi thương xót và tha thứ của Đức giáo hoàng trong Năm Thánh này.  


CN.4.MV.C
PH 20-12-2009

Mùa Vọng có 4 Chúa nhật. Lời Chúa của 4 Chúa nhật đưa ra những gương mẫu đón mừng Chúa giáng sinh, như các ngôn sứ, thánh Gioan Tẩy giả, Thánh Giuse... Rêng Chúa nhật 4, Chúa nhật cuối cùng của MV, bao giờ Lới Chúa cũng nói về Đức Mẹ, vì Đức Mẹ là gương mẫu tuyệt với nhất cho chúng ta noi theo để đón mừng Chúa giáng sinh.
Bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay diễn tả cuộc thăm viếng của Đức Mẹ với bà chị họ Êlisabét. Cuộc thăm viếng kể nhiều nét đẹp cho chúng ta noi gương :
1- Ngay sau khi thiên thần truyền tin, được mang thai Đấng Cứu Thế, Đức Mẹ muốn chia sẻ niềm vui trọng đại cho người thân thuộc nhất của mình là bà chị Êlisabét. Chẳng những cho mẹ, mà cả cho con : thánh Gioan Tẩy giả đã nhảy mừng trong bụng mẹ.
2- Từ Nadaret đến làng Ain-Karem của bà Êlisabet cách xa hơn 150 cây số. Đường xá hiểm trở, với núi đồi, khe suối, chưa kể cướp bóc. Phương tiện đi lại thiếu thốn và thô sơ. Chắc Đức Mẹ đi bộ chung với những người khác. Có đi nhanh cũng phải mất 3,4 ngày. Đúng là "tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua".
3- Đức Mẹ đã ở lại giúp bà chị sinh thánh Gioan Tẩy giả. Việc nặng việc nhẹ Đức Mẹ không quản ngại khó nhọc vất vả.
Cuộc giáng sinh của Đấng Cứu Thế, Đức Mẹ, một người đàn bà đóng một vai quan trọng, nêu gương sáng cho chúng ta.

Chúng ta mừng Năm Thánh 2010, để ghi ơn những vị có công. Không ngờ trong số những người có công trong việc khai sinh Giáo Hội Việt Nam có nhiều công lao của nhiều phụ nữ. Nổi bật là bà Maria Minh Đức Vương Thái Phi.
Năm 1625 cha Pina ra Huế rửa tội cho bà. Cha Đắc Lộ đã ca ngợi bà như sau : "Bà là chỗ nương tựa của giáo hội mới chớm nở.Gương mẫu bà, thế lực của bà đã trợ giúp rất nhiều vào công cuộc truyền giáo cho những người ngoại, và làm cho những người chịu phép rửa vững đức tin... Bà là người đạo đức, chăm lo việc tu thân tích đức... Bà đã cất một ngôi nhà nguyện rất đẹp trong dinh của bà, và bà đã bảo vệ ngôi nhà nguyện đó qua cả những thời kỳ cấm cách gắt gao. Hằng ngày tối sớm bà đến đọc kinh cầu nguyện. Giáo dân trong vùng được tự do ra vào, không một ai dám ngăn cấm" (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 82).
Lễ Giáng sinh năm 1643 được tổ chức nhà nguyện của bà. Cha Đắc Lộ kể : "Một máng cỏ được trang trí rất đẹp trong nhà nguyện của bà... Lòng thành kính của bà nổi bật trong lễ Giáng sinh năm nay...Bà cho con bà và các cháu của bà đến thờ lạy và tôn vinh Vua Vinh Quang giáng trần. Bà rao giảng Lời Chúa cho những người từ nhiều nơi đến viếng máng cỏ. Lễ Giáng sinh năm đó không có linh mục, chỉ có giáo dân và lương dân. Bà Maria Minh Đức là người chủ tọa giảng thuyết rất xác tín và lưu loát" (Nguyễn Trọng...)

Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng là ông câu giáo họ Đầu Nước, Châu Đốc, An Giang. Ông đã cho cha Phêrô Đoàn Công Quí, cha sở họ Đầu Nước, trú ẩn nhà ông. Hai cha con đã bị bắt và bị giải về Châu Đốc. Sau 6 tháng bị giam cầm và tra tấn, ông câu bị xử giáo tại pháp trường Chà Và ngày 31-7-1859.
Cô Anna Nhiên đến chào từ biệt ba mình. Ông cởi giây ảnh ở cổ đeo vào cổ con gái và nói : "Con ơi, hãy nhận lấy kỷ vật của ba. Đây là ảnh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ảnh này quí hơn vàng bạc bội phần. Con hãy luôn luôn mang nơi cổ và trung thành cầu nguyện sớm chiều con nhé". Ông còn dặn : "Hãy tha thứ cho những kẻ làm hại ba" (Bùi Đức Sinh, Uống Nước Nhớ Nguồn, trang 151).
Ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng tỏ lòng thương xót và tha thứ cho người làm hại mình. Thương xót và tha thứ là chủ đích của Năm Thánh "Lòng Chúa Thương Xót".


 Tòa Thanh thì khai mạc vào lễ Mẹ Vô Nhiệm 8-12 như ViệtCatholic đưa tin : Lúc 9 giờ rưỡi sáng hôm qua, lễ trọng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ và lễ nghi mở cửa Năm Thánh khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót. Cùng đồng tế thánh lễ có 60 Hồng Y, 100 Tổng Giám Mục và Giám Mục, 200 Linh Mục nhân viên các cơ quan trung uơng Toà Thánh và khoảng 2.000 Linh Mục, kể cả 200 vị giúp ĐTC cho tín hữu rước lễ, trong đó có 100 Linh Mục thuộc dòng Đạo Binh Chúa Kitô và 60 Phó tế đem Mình và Máu Thánh Chúa tới cho các Linh Mục đồng tế. Đứng hai bên ĐTC là ĐHY Angelo Sodano, nguyên Quốc Vụ Khanh Toà Thánh và ĐHY Giovanni Battista Re, nguyên Tổng trưởng Bộ Giám Mục."
Đức Thánh Cha suy niệm : "Tinh thần của Năm Thánh Lòng Thương Xót là xóa bỏ vĩnh viễn hình ảnh một Thiên Chúa “phán xét”, thay vào đó là hình ảnh một Thiên Chúa “giàu lòng thương xót”, mời gọi tất cả tín hữu bỏ ra khỏi đầu “mọi hình ảnh hãi sợ”. Ngài nói: “Khi bước vào cánh cửa này, là bước vào lòng thương xót sâu đậm của Người Cha, người cha đón nhận tất cả chúng ta và đến gặp mỗi một người chúng ta. Ước mong Năm Thánh sẽ giúp chúng ta lớn lên trong niềm xác quyết của lòng thương xót. Bao nhiêu là điều sai lầm đã phạm đến Chúa và đến ân sủng của Ngài khi cho rằng Ngài sẽ phán xét qua tội chúng ta phạm, mà không nghĩ ngược lại, tội đã được tha thứ bởi lòng thương xót của Ngài!”
Khi đi thăm nước Trung Phi, Đức Thánh Cha cũng mở cửa Năm Thánh của Nhà Thờ Chánh Tòa Bangui : "Theo  tin Đài Phát Thanh Vatican, các linh mục, tu sĩ, giáo lý viên và giới trẻ, tối Chúa Nhật, 29 tháng 11, đã cùng Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành Thánh Lễ tại Nhà Thờ Chính Tòa Bangui, Thủ Đô Cộng Hòa Trung Phi. Trong buổi cử hành này, ngài đã mở Cửa Thánh của Nhà Thờ Chính Tòa để khởi đầu Năm Thánh Thương Xót. Năm này sẽ chính thức bắt đầu vào ngày 8 tháng 12. Nhưng Đức Phanxicô muốn khai mạc một cách tượng trưng Năm Thánh Thương Xót ngay tại Cộng Hòa Trung Phi này. Ngài kêu gọi mọi người cầu nguyện cho hòa bình tại xứ sở này và tại mọi quốc gia đang khốn khổ vì chiến tranh và tranh chấp. Khi ngài vừa mở toang hai cánh cửa bằng gỗ, cộng đoàn đã vỗ tay vang dội và ca hát tưng bừng trước khi Đức Giáo Hoàng bắt đầu cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng".


Trước đó cả hàng 20 năm, năm 1627 ở Quảng Nam đã tổ chức lễ Giáng  sinh : "Giáo dân tổ chức mừng lễ rất linh đình. Ngoài lễ Nửa Đêm với những ca vãn thường quen hát, họ còn rước kiệu Chúa Hài Đồng, có kèn trống, bát âm, đốt pháo bông..." (Nguyễn Hồng, sđd, trang 124).
Năm 1627 cha Đắc Lộ ra Miền Bắc truyền giáo, lễ GS được cha tổ chức như sau : "Ngày lễ GS cha tổ chức nghi lễ rửa tội, để làm nổi bật ý nghĩa cuộc sinh lại trong ngay Chúa GS. Cha cho đặt nhiều ca vãn GS để dân chúng cùng nhau ca hát trước lễ Nửa Đêm. Trước Chúa Hài Đồng, cha giảng về mầu nhiệm Chúa đến cứu chuộc, và sau đó mọi người quì xuống bái lạy Chúa" (NH,sđd, trang 124).
Trước 1 năm bị trục xuất hẳn khỏi Việt Nam, lễ GS năm 1644 ở Hội An được kể lại như sau : "Suốt ngày 24 cha giải tội cho giáo dân và rửa tội thêm 22 người. Đến đêm sang nhà ông Nicôla Hào thì đã có 7,8 trăm giáo dân đợi sẵn. Tất cả quì gối chu chu chăm chắm, thật là cảm động sốt sắng. Phải có mặt trong buổi lễ hôm đó người ta mới hiểu thế nào là qua một đêm GS sốt sắng. Trong thầm lặng của đêm vắng, cha tưởng được thấy tất cả sáng ngời của thiên quốc, và cha sẽ không bao giờ có thể tả được hết niềm vui hôm đó. Có thể nói tất cả những tráng lệ của các thánh đường Tây phương với những nhạc du dương đêm đó, cũng chưa có thể đem sánh được cảm nếm niềm vui đó" (NH,sđd, trang 165).

Lễ GS của tổ tiên chúng ta ngày xưa chan chứa niềm vui, long trọng, sốt sắng, chỉ vì tổ tiên chúng ta yêu mến Chúa thật, đạo đức thật, chứ không chỉ có bề ngoài, giả dối.
Chúng ta hôm nay hãy noi gương các ngài sống thánh thiện, để có một lễ GS tràn đầy niềm vui.

CN.4.MV.C
PH.24-12-2006





Bài Tin Mừng : Bđ1 ngôn sứ Mi-kha nói đến sự khiêm nhường nhỏ bé của thành Belem nơi Chúa sinh ra, bđ2 nói đến sự khiêm nhường hạ mình làm người xuống trần chịu chết để cứu lòai người, và bài TM nói đến lòng khiêm nhường của Đức Mẹ.
Đức Mẹ đã khiêm nhường đến viếng thăm bà chị Elisabét. Lòng khiêm nhường của Đức Mẹ khiến bà Êlisabét ngạc nhiên, và nói với Đức Mẹ : “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ?” (Lc 1,43).
Đường từ Nadarét đến Ain-Karim đâu phải là ngắn, dài bằng con đường từ Bắc tới Nam. Núi non hiểm trở, lên đèo xuống dốc. Thời đó thường là đi bộ. Đi bộ ít là từ ba đến bốn ngày. Đức Mẹ khiêm nhường quên cả đường xá xa xôi, vất vả.
Nhất là dẫu rằng Đức Mẹ không còn là một phụ nữ phàm trần tầm thường nữa, mà là Mẹ của Thiên Chúa, là người nữ “được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ” (1,42); song Đức Mẹ khiêm nhường “vội vã đi đến miền núi” (1,39).
Đức Mẹ khiêm nhường không những đến thăm mà còn ở lại giúp đỡ bà chị Êlisabét. Đức Mẹ còn đem Chúa Giêsu đến cho thánh Gioan : “Này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng” (1,44).
Bà chị Elisabét đã hai lần nhắc đến “người con trong bụng” (1,41.44). Người mẹ nào mà chẳng quên bản thân mình để lo cho con, lấy niềm vui của con làm niềm vui của mình. Bà Elisabét nhắc đến “đứa con trong bụng” hai lần, vì bà qúa sung sướng : không những có con trong lúc hiếm muộn, mà đứa con lại nhờ Đức Mẹ mà “được chúc phúc” (1,42).

Belem nhỏ bé trở thành nơi Chúa làm người xuống trần.
Chúa Giêsu đã khiêm nhường làm người và chịu chết cho nhân lọai.
Đức Mẹ đã khiêm nhường đi thăm bà chị Elisabét và đem niềm vui đến cho cả mẹ lẫn con.
Niềm vui xuất phát từ lòng khiêm nhường. Trái lại, bà Evà, vì kiêu ngạo, đã đem đau khổ cho nhân lọai.
Tương truyền rằng người ta hỏi thánh Âu-tinh : nhân đức thứ nhất là nhân đức nào ? Thánh nhân đáp : nhân đức thứ nhất là nhân đức khiêm nhường. Người ta hỏi đến nhân đức thứ hai, thứ ba, thánh Âu tinh đều trả lời là nhân đức khiêm nhường.
 Tấm lòng khiêm nhường, con tim hiền dịu chính là chiếc hang đá xinh đẹp nhất cho Chúa Hài Đồng sinh ra


CN.4.MV.C
PH.21-12-2003

Qua các bài đọc trong thánh lễ các Chúa nhật Mùa Vọng, Giáo hội cho chúng ta nhìn thấy một vài nhân vật quan trọng trong việc chuẩn bị đón Chúa đến cứu độ, chẳng hạn các ngôn sứ, thánh Gioan Tẩy Giả, thánh Giuse, đặc biệt là Đức Mẹ. Vì thế, chúa nhật thứ IV, Chúa nhật cuối cùng của Mùa Vọng, bao giờ Giáo Hội cũng cho chúng ta chiêm ngắm Đức Mẹ. Có thể nói : Chúa nhật IV.MV là Chúa nhật của Đức Mẹ. Không những bài Tin Mừng nói về Đức Mẹ, mà cả bđ 1 và 2 cũng ám chỉ về Đức Mẹ.

Bài đọc 1 : Bản văn của ngôn sứ Mi-kha trong bđ1 hôm nay là một bản văn qúi giá nói về Đấng Mêsia, Đấng Thiên sai, đến nỗi được nhắc lại trong các sách Tin Mừng hai lần :
lần thứ nhất là khi các nhà chiêm tinh đến hỏi vua Hêrôđê : “Đức Vua dân Do Thái mới sinh hiện ở đâu ?”, thì các thượng tế và kinh sư trả lời : “Tại Belem, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng : Phần ngươi, hỡi Belem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành phố nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Itraen dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2,6);
lần thứ hai là khi dân chúng tranh luận về nguồn gốc Đức Kitô, có người nói rằng : “Nào Kinh Thánh đã chẳng nói : Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít và từ Belem, làng của vua Đavít sao ?” (Ga 7,42).
Ngôn sứ Mikha gọi Belem là Ep-ra-tha. Epratha phát xuất từ  tên Ep-ra-im, tên con thứ hai của ông Giuse, cháu của ông Giacóp (St 41,52). Bộ tộc nhỏ Epratha định cư tại Belem, sau đó sát nhập vào chi tộc Giuđa. Từ  lâu Belem và Eprata đã là một. Sách Sáng Thế viết : “Bà Rakhen qua đời và được chôn trên con đường đi Epratha, tức là Belem” (St 35,19).  Epratha có nghĩa là “phì nhiêu”.
 Ngôn sứ Mikha đã chơi chữ, Epratha “phì nhiêu” vì sinh ra Đấng Mêsia, Đấng Kitô, Đấng được xức dầu, Đấng Thiên Chúa sai đến : “Từ nơi ngươi Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lĩnh Itraen” (Mk 5,1).
Ngày xưa vua Đavít đã chăn chiên tại Belem. Đấng Mêsia sinh ra ở Belem cũng là một vị chủ chăn, vị chủ chăn thật, chứ không giả dối : “Người sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa, vào uy danh Đức Chúa, Thiên Chúa của Người, mà đứng lên chăn dắt họ…Chính Người sẽ đem lại hòa bình” (Mk 5,3-4).
Ngôn sứ  Mikha đã sống vào thời dân Itraen, miền Bắc, bị quân Babylon xâm chiếm năm 721 trước CGS và Giuđa, miền Nam, cũng đang bị đe dọa. Nên, ngôn sứ Mikha đã viết : “Đức Chúa sẽ bỏ mặc Itraen cho đến thời người sản phụ sinh con” (1,2). Vì tội lỗi, dân Itraen bị Thiên Chúa bỏ rơi, để quân Babylon xâm chiếm, và bắt đi lưu đày, cho tới khi “người sản phụ sinh con”.
Dân Do Thái cũng như dân Việt Nam ngày xưa là “trọng nam khinh nữ”, chỉ nói con của người cha, chứ không nói con của người mẹ, thế mà nay ngôn sư Mikha lại chỉ đề cập đến mẹ, chứ không đề cập đến cha : “Cho đến thời người sản phụ sinh con”. Trước ngôn sứ Mikha 20 năm, ngôn sứ Isaia cũng chỉ nói đến mẹ, chứ không nói đến cha : “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel” (Is 7,14).
Ngôn sứ Isaia chỉ tiên báo “người thiếu nữ mang thai”, nghĩa là một phụ nữ trẻ, chứ không nói là một trinh nữ. Nhưng bản dịch 70, bản dịch sang tiếng Hi Lạp thì dịch là “một trinh nữ”. Rồi bản Phổ thông Latinh cũng dịch là “một trinh nữ”. Và Giáo hội đã tin rằng “Người trinh nữ sinh hạ con trai và đặt tên là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-với-chúng-ta” chính là Đức Maria.
 Đức Maria đồng trinh đã sinh ra Chúa Giêsu và Chúa Giêsu là “Thiên-Chúa-ở-chúng-ta”.

Bài Tin Mừng : Bài Tin Mừng thánh lễ Chúa nhật Mùa Vọng cuối cùng hôm nay, thánh Luca tường thuật cho chúng ta cuộc thăm viếng của Đức Mẹ với bà chị họ là bà Êlisabét.
 Bà Elisabét sống ở “một thành thuộc chi tộc Giuđa ở miền núi” (Lc 1,39).  Một thành thuộc chi tộc Giuđa, tức là ở miền Giuđê, miền Nam. Người ta cho đó là thành Ain-Karim, cách thủ đô Giêrusalem ở phía tây 7 cây số.
Thời đó thường là đi bộ. Đường xá vừa xa vừa hiểm trở, nên người ta nhập đoàn với nhau mà đi. Đức Mẹ đi từ nhà ở Nadarét, miền Bắc, lên Miền Nam mất  3, 4  ngày. Vừa là em vừa trẻ tuổi, Đức Mẹ đã chào bà Êlisabét. Nhưng mọi sự đã đổi ngôi. Tuy là chị và tuổi già, bà Elisabét đã cất tiếng ca tụng : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ” (1,42), nghĩa là em được Thiên Chúa xếp vào hạng nhất trong tất cả các người nữ. Sở dĩ Mẹ là người đứng hạng nhất, cũng chỉ vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa : “Bởi đâu tôi đuợc Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ?” (1,43).
“Chúa” là từ  trong Kinh Thánh dùng để nói về Thiên Chúa. Đức Mẹ có một địa vị rất cao trọng là Mẹ của Thiên Chúa. Mẹ đã sinh ra Đức Giêsu, Đức Giêsu là Thiên Chúa. Chính vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nên không những bà Elisabét được phúc , mà con bà, thánh Gioan Tẩy Giả, đang ở trong bụng bà, cũng được phúc : “Này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng” (1,44).
Đức Mẹ có một địa vị cao trọng như thế, vì Mẹ là người đã tin vào Thiên Chúa : “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (1,45). Ngược lại, ông Dacaria đã hoài nghi lời sứ  thần báo tin có con, nên ông đã bị câm. Còn Đức Mẹ đã tin, nên được phúc. Đức Mẹ là mẫu gương về lòng tin cho mọi tín hữu.

Bài đọc 2 : Bài đọc 2 của thánh lễ hôm nay Giáo hội cho chúng ta đọc Thư Do Thái. Thư này do một môn đệ của thánh Phaolô viết. Không rõ tên, vì thế Giáo hội nói trống là “Lời Chúa trong Thư Do Thái”.
Chính xác đây cũng không phải là một lá thư, như các thư của thánh Phaolô, mà là một bài giảng, bài suy niệm với các tín hữu gốc đạo Do Thái đã trở lại đạo Chúa Kitô, nhưng còn vương vấn với những nghi lễ sầm uất vấy máu những con chiên con bò được sát tế nơi Đền thờ Giêrusalem.
Thư  Do Thái đã cho biết hy lễ của Đức Kitô có giá trị vượt bậc các hy lễ và hiến tế của đạo Do Thái. Để diễn tả hy lễ của Chúa Kitô trổi vượt, thư Do Thái đã dùng những tư tưởng của Thánh Vịnh 40. Đó là những tư tưởng : “Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi, con liền thưa : ‘Này con xin đến ! Trong sách có lời chép về con rằng : con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con” (Tv 40,7-9). Đó là tư tưởng của một người công chính, với lòng đạo đức thật và sâu xa, đã nhìn ra được đức vâng lời theo lời Chúa nói (đã mở tai con) và đem trót cuộc đời làm theo ý Chúa thì qúi giá hơn bất cứ  lễ vật nào khác.
Thật ra các ngôn sứ cũng đã từng lên án những việc đạo đức bề ngoài. Ngôn sứ Isaia đã nói : “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”. Vì thế, Thư Do Thái viết : “Khi vào trần gian…Đức Kitô nói : ‘Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài’”. Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã nói với Chúa Cha : “Cha ơi ! Cha có thể làm được mọi sự, xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14,36). Qua Thư Do Thái,  Chúa Giêsu “vào trần gian”, tức là Chúa Giêsu giáng sinh, là vì vâng theo ý Chúa Cha, cũng như Chúa Giêsu chết trên thập giá cũng vì vâng theo ý Chúa Cha.
Mặc dầu Thư Do Thái không nói rõ ràng Chúa Giêsu vào trần gian cách nào, nhưng các độc giả của Thư Do Thái đều biết là nhờ Đức Maria. Chính vì thế , gần ngày lễ Giáng Sinh, Giáo hội cho chúng ta đọc Thư Do Thái.

Như thế qua ba bài đọc Sách Thánh của thánh lễ Chúa nhật Mùa Vọng cuối cùng này, công lao của Đức Mẹ trong biến cố Chúa giáng sinh rất là lớn lao. Thánh Giám mục Athanasiô viết : “Cần phải có Đức Maria, để từ nơi Mẹ, Ngôi Lời nhận lấy một thân xác…Thiên sứ Gáprien đã thận trọng và khôn ngoan truyền tin cho Đức Mẹ, thiên sứ không nói trống rằng : Đấng sẽ sinh ra nơi bà, kẻo có người lầm tưởng có một thân xác từ bên ngoài được đưa vào trong lòng Đức Mẹ. Nhưng thiên sứ nói : Đấng bà sẽ sinh ra, để người ta tin rằng : Đấng được sinh ra đã xuất phát bởi chính Đức Mẹ” (Bđ 2 giờ Kinh Sách ngày 1-1).
Vậy hôm nay cũng như trong ngày lễ Chúa giáng sinh, khi chiêm ngắm ảnh tượng Mẹ, với tất cả lòng biết ơn, chúng ta hãy thưa với Mẹ : “Lạy Mẹ, chính nhờ Mẹ, chúng con mới đáng nhận lãnh nguồn sức sống vĩnh cửu là Đức Giêsu”. Amen



THI CA CÔNG GIÁO

Mừng đón Hài đồng Chúa giáng ân


Trời cao đã bỏ , xuống gian trần
,
Đem ơn Cứu độ cho dương thế

Gánh vác nặng nề giúp tội nhân

Vâng Thánh ý Cha, tròn sứ vụ

Soi gương Thánh Mẫu, cũng "Xin vâng"

Thiết tha thể hiện Lòng Thương Xót

Tội lỗi thế gian gánh trọn phần.

*********
Jos. HQ Mùa Giáng sinh 2015










0 nhận xét :

Đăng nhận xét