Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015


Bài viết của cha Giuse Nguyễn Trung Thành (thân hữu)
CN.2.B
1Sm 3,3b-10.19
1Cr 6,13c-15a.17-20
Ga 1,35-42
18-1-2015
Hôm nay ngày 18-1 là ngày vui của Giáo Phận Đà Nẵng, ngày thành lập Giáo Phận 18-1-1963, đã 52 năm. Đồng thời cũng là ngày vui của Giáo Hội Việt Nam. Ngày hạt giống Tin Mừng được gieo vãi và trổ sinh trên quê hương Việt Nam 18-1-1615. Nay đúng 400 năm.
Chúng ta hãy nghe sử gia Đỗ Quang Chính kể trong tập sách “Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773) : “Nhân cơ hội nào các Giê-su hữu (những tu sĩ dòng Tên) đến Đàng Trong ? Có lẽ người ta dám nói : Nhật Bản cấm đạo Công giáo lại là nguyên nhân, cơ hội chính đưa các Giê-su hữu vào đất chúa Nguyễn… Những lần cấm đạo ở Nhật ngày 25-7-1587 và 9-12-1596, đặc biệt ngày 14-2-1614, đã đẩy nhiều giáo hữu Nhật phải bỏ nước ra đi, và trục xuất hết mọi thừa sai… Giáo hội Công giáo tại Nhật bắt đầu tàn tạ…(Sđd, trang 17)
 “Cũng năm 1614, ông Fernandes da Costa, một thương gia Bồ Đào Nha từ Áo Môn đến Đàng Trong, sau khi triều yết chúa Nguyễn Phước Nguyên, được nhà chúa chấp nhận điều ông thỉnh cầu: dành độc quyền thương mại cho người Bồ Đào Nha, không cho phép người Hòa Lan đến buôn bán…(Sđd, trang 17)
“Trở về Áo Môn, Fernandes da Costa chẳng những báo cáo cho Thống đốc Áo Môn, mà còn đem tin vui cho các Giê-su hữu…(Sđd, trang 17)
“Rõ là tin vui ! … Các Giê-su hữu đang ‘thất nghiệp’, ‘ăn chực nằm chờ’, thử ‘thời vận’ ở Đàng Trong xem thế nào…(Sđd, trang 18)
“Thế là ba Giê-su hữu được phái đến miền đất xa lạ Đàng Trong : linh mục Francesco Buzomi (người Ý), linh mục Carvalho (người Bồ) và tu huynh Antonio Dias (người Nhật)…(Sđd, trang 19)
“Ngày 6-1-1615, tàu nhổ neo từ Áo Môn trực chỉ Đàng Trong; sau 12 ngày tàu tới Cửa Hàn (Đà Nẵng) ngày 18-1-1615. Đấy là ngày Giáo hội VN thường coi cuộc truyền giáo được ‘chính thức’ mở ra ở VN, mặc dù trước đó đã có những ‘dấu vết’ Tin Mừng ở xứ này…
“Tiếp theo các Giê-su hữu đến Cacciam (Kẻ Chàm), tức Thanh Chiêm, cũng gọi là Quảng Nam dinh, cách Hội An chừng 7 km về phía Tây, nơi quan trấn thủ Nguyễn Phúc Kỳ đặt bàn doanh, cai trị suốt từ đèo Ải Vân xuống tận Qui Nhơn. Tại Quảng Nam dinh, quan trấn thủ cũng cho phép làm một nhà nguyện và nhà ở, nhờ sự giúp đỡ của ’một bà rất quý phái. Bà này về sau chịu phép rửa tội, thánh hiệu là Gioanna. Chính trong nhà riêng, bà cũng lập nhiều bàn thờ và hằng cầu khẩn ‘một Đức Chúa Trời đất… (Sđd, trang 20-21).
Tuy các sử liệu đầu tiên không ghi rõ nhóm tha sai DT đặt cư sở ở Hội An vào ngày tháng nào trong hai năm 1615-1616, có thể đến sau lúc đến Quảng Nam dinh… (Sđd, trang 21).
Hội An là thị trấn dành riêng cho người nước ngoài, cách riêng cho người Hoa, người Nhật… Cuối thế kỷ 16 nhóm người Hoa đến sinh sống vì lý do kinh tế; nhưng sang giữa thế kỷ 17 lại thêm tàn quân nhà Minh…vì nhà Thanh nổi lên lật đổ nhà Minh.
Người Nhật tới Hội An cư trú cuối thế kỷ 16 sang đầu thế kỷ 17 là do mấy cuộc cấm đạo năm 1587, 1596, 1614…(Sđd trang 21.22).

Phái đoàn Buzomi xem ra mục đích chính là để giúp Nhật kiều Công giáo…Từ cuối năm 1615 đã chuyển hướng : tích cực giới thiệu Tin Mừng với người Việt…(Sđd trảng)...Tính tình người Đàng Trong hiền lành, lối sống cởi mở, đại lượng (Sđd trang 24).CN.2.B


Trại phong cùi Qui Hòa ở Qui Nhơn là một trong những trại phong cùi nổi tiếng. Trại phong cùi Qui Hòa là sáng kiến của bác sĩ Le Moine, giám đốc bệnh viện Qui Nhơn. Từ năm 1927, bác sĩ xin mọi nơi giúp đỡ để xây dựng trại cho khoảng 360 người bệnh, nhưng hầu như không có ai tha thiết với dự án. Năm 1929, bác sĩ đi gặp Đức cha Grangeon, giám mục Qui Nhơn (tên Việt Nam là Mẫn). Đức cha đồng ý và sai cha Maheu cộng tác với bác sĩ.
Năm 1930 Đức giám mục Qui Nhơn mời các nữ tu Phan sinh tới chăm sóc các bệnh nhân. Năm 1932, 5 ữ tu đầu tiên từ Pháp tới Qui Hòa.
Từ năm 1975, trại cùi Qui Hòa có 5422 bệnh nhân và 14 nữ tu Pháp và Việt. Kể từ năm 1932-1975, tổng cộng tất cả 47 nữ tu. Ngày 5-6-1976 trại cùi giao cho Nhà Nước quản lý. Tuy nhiên vẫn xin các nữ tu cộng tác.
Năm 1985 chính quyền sai bác sĩ Trần Hữu Ngoạn đến Qui Hòa làm giám đốc. Được chứng kiến lòng tận tụy hy sinh của các sơ, bác sĩ đã đi theo Chúa, vào đạo.
Giả như không thấy lòng tốt và đức tin của các sơ, liệu bác sĩ Trần Xuân Ngoạn có gặp được Chúa và đi theo Chúa không ?



Bài Tin Mừng Ga 1,35-42 : BTM thánh lễ hôm nay cho biết : nhờ sự chỉ dẫn, giới thiệu, đời sống gương mẫu của người có đạo, người ta biết Chúa và đi theo Chúa.
Nhờ thánh Gio-an Tẩy Giả, thánh An-rê biết Chúa Giê-su. Phúc Âm kể : “Khi Đức Giê-su đi ngang qua, ông Gio-an chăm chú nhìn và nói :’Đây là Chiên Thiên Chúa. Môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su” (Ga 1,36-37).
Thánh An-rê gặp được Chúa thì giới thiệu cho thánh Phê-rô, em mình. Phúc Âm kể : “Ông An-rê gặp em mình là ông Si-mon và nói : ‘Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a’. Rồi ông dẫn em mình đến với Đức Giê-su” (Ga 1,41-42).

Người Việt Nam thường nói : “Lời nói qua đi, gương lành lôi kéo”.
Ông Gandhi người đem lại nền độc lập cho nước Ấn Độ, thoát được sự cai trị của người Anh, ông nói : “Nếu người Công giáo sống lời Chúa dạy, thì cả nước Ấn Độ của tôi đã theo đạo hết rồi”.
Như thế, người ta theo hay không theo, thích hay ghét đạo, cũng một phần tại đời sống của người Công giáo chúng ta.
Lời nguyện tự phát : Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lương thực thiêng liêng cũng như Chúa đã ban cho chúng lương thực thể xác, để cả thể xác và linh hồn chúng con luôn lớn lên trong tình yêu Thiên Chúa và vì thế chúng con mới có nội lực để hy vọng giới thiệu Chúa đến với người xung quanh, nhất là với các thân nhân xa gần của chúng con. Chúng con cầu xin. . .


THI CA CÔNG GIÁO 
* * * * * * * * * * * *
NGƯỜI ĐI GIEO GIỐNG
* * * * * * * *
Yêu thương Người chọn con vào
Cánh đồng xanh thắm gửi trao việc làm
Sẻ chia sứ vụ Bình An
Trên đường loan báo reo vang Tin mừng
Nguồn ơn cứu thoát thế nhân
Góp công thể hiện văn minh tình người
Ngôi Ba ánh đuốc sáng ngời
Dẫn đường chỉ lối khung trời ước ao
 Ngôi Hai Thánh Thể khát khao
Ngự trong nhà tạm, khác nào hiến thân
Sẻ chia gian khổ, hy sinh
Cội nguồn ân sủng, suối tình ngất ngây
Thỏa cơn  thèm khát, mê say
Xin Ngài thương đoái ban đầy ơn thiêng
Để con vững bước lên đường
Phúc âm chuyển tải, rao truyền Nước Cha
Chân trời, góc biển thiết tha
Thực thi Lời Chúa hát ca Tin mừng
Sinh hoa kết trái hiệp thông
Từ bi bác ái khiêm  cung dịu dàng
Tin yêu hy vọng mở đàng
Ngất ngây say đắm Trọn đàng gom thu
Khoan dung, đồng cảm, cần cù
Tâm hồn rộng mở, Tấu thơ theo đàn
Tinh cao trong sáng, hiên ngang
Lời thiêng hun đúc nồng nàn hăng say
Vãi gieo hạt giống ra tay
Dung nhan Thiên Chúa đẹp thay thế trần
Tỏa lan ánh sáng huyền linh
Lời  kinh vang vọng Xin Vâng” sứ thần.
* * * * * * * * * * *
Jos. Tinhhoa




0 nhận xét :

Đăng nhận xét